(Bài viết về thầy Nguyễn Văn Triệu –
Người thầy có tấm lòng cao đẹp;
một
Hiệu phó chuyên môn mẫu mực của trường THCS Phước Minh)
Trong thời buổi kinh tế thị trường, cuộc sống mỗi con
người luôn phát sinh sự đắn đo cùng với biết bao sự bộn bề, thậm chí có những
lúc còn có cả sự bon chen chen lẫn sự vị kỷ. Những mối lo toan cơm áo gạo tiền
cứ bám chặt lấy mỗi người để có những lúc nụ cười bỗng dưng tắt lịm giữa sự hân
hoan của lòng người. Tất cả âu cũng bởi chúng ta đang phải chạy đua cùng cuộc
sống để theo đuổi với những mối bận tâm
của riêng mình… . Và để rồi có những lúc “ta
giữa đường lặng lẽ, bạn bè bước qua”;…
Vậy mà thầy giáo Nguyễn Văn Triệu – Một người thầy giáo như biết bao
người thầy giáo khác; một con người như biết bao con người bình thường khác vẫn
lạc quan với cuộc sống; vẫn say sưa với niềm vui và niềm hạnh phúc cống hiến vì
sự nghiệp giáo dục; vì tương lai của lớp lớp học trò thân yêu… Bất giác bản
tình ca “Người thầy năm xưa” của nhạc
sỹ Nguyễn Văn Chung bỗng ngân lên, âm vang trong tôi với những ca từ tha thiết,
mặn nồng làm xao xuyến lòng tôi:
“Một vì sao lấp lánh, về trong đêm tối vắng
Thầy đã thắp sáng cho tôi bao ước mơ
Dìu đôi chân bỡ ngỡ, hòa trong tia nắng ấm,
Thầy chắp cánh
để tôi bay vào đời …”
Tay gõ phím chữ viết bài về thầy – về Tấm Gương Người
Thầy mà lòng tôi rưng rưng!
Tôi nhớ lại những năm tháng trước đó, trường tôi dù là
một ngôi trường còn khá trẻ, đội ngũ giáo viên cũng rất trẻ; nhưng dưới sự quan
tâm lãnh đạo của các cấp, các ngành cùng với sự đồng lòng thi đua phấn đấu dạy
tốt học tốt của tập thể cán bộ, giáo viên mà chất lượng giáo dục được nâng tầm,
và trường tôi đã trở thành một trong những ngôi trường THCS chuẩn đầu tiên của
huyện Bù Gia Mập. Nhưng rồi, những sự thay đổi nhân sự liên tục từ Ban giám
hiệu đến đội ngũ Giáo viên của nhà trường trong thời gian quá ngắn của những
năm gần đây cũng như từ một số tác động khách quan khác đã phần nào ảnh hưởng
đến tâm lý chung của tập thể nhà trường, và chất lượng giáo dục của trường cũng
từ đó dần dần tụt dốc, nhất là chất lượng mũi nhọn… để rồi điều đó đã trở thành
nỗi trăn trở không nhỏ của cả lãnh đạo Phòng Giáo dục & Đào tạo cũng như
của chung những giáo viên tâm huyết trong nhà trường… Và như một cơ duyên định
sẵn, cuối học kỳ một của năm học 2017 – 2018, Thầy Nguyễn Văn Triệu được cấp
trên điều động về trường tôi đảm nhận nhiệm vụ “Hiệu phó chuyên môn” của nhà
trường.
Những ngày đầu khi thầy vừa mới về trường nhận nhiệm
vụ quả là một gian truân thử thách với thầy; bởi khi vừa chân ướt chân ráo về
trường, thầy đã phải nhận trách nhiệm về kết quả chất lượng của đội ngũ học
sinh giỏi trong cuộc thi học sinh giỏi 11 môn văn hóa cấp huyện khối 9 (năm đó tổng số 38 học sinh thuộc các môn của
nhà trường tham gia thi, thì chỉ có 3 học sinh được công nhận học sinh giỏi
huyện). Nhìn thầy lúc ấy cá nhân tôi cũng như nhiều giáo viên khác rất
thương thầy, bởi kết quả chất lượng đó đúng ra người tiền nhiệm của thầy và tập
thể những giáo viên phụ trách bộ môn phải chịu trách nhiệm chứ không thể là
thầy được. Tuy nhiên, trong cuộc họp khẩn cấp giữa nhà trường và Lãnh đạo Phòng
Giáo dục, dù không phải trách nhiệm của thầy (vì thầy mới về trường được hai ngày), nhưng với cương vị là một
Hiệu phó phụ trách chuyên môn, thầy đã dũng cảm nhận trách nhiệm lớn ấy về mình.
Hành động của thầy đã thực sự lay động lòng người. Những ánh mắt đổ dồn về phía
thầy, rồi chúng tôi quay sang nhìn nhau không nói; nhưng tôi hiểu rằng đó là
những ánh mắt của sự cảm động biết ơn, là ánh mắt của sự ân hận và cũng là ánh
mắt của sự tự tâm cùng hứa sẽ cố gắng quyết tâm trong công tác của tập thể giáo
viên của nhà trường trên chặng đường giáo dục phía trước. Sáng ngày tiếp theo, thầy
đã cho mời tôi vào phòng thầy nói chuyện. Quả thật, lúc đó tôi khá dè dặt,
trong đầu tôi xuất hiện suy nghĩ vẩn vơ: “Không
biết xếp Triệu này thế nào nhỉ? Có khi nào những phát biểu vừa rồi chỉ là…? Có
khi nào rồi thời gian nữa cũng lại như…”…Bao câu hỏi đặt ra với tôi trên
đường trở về phòng thầy… Nhưng khi bước vào phòng gặp thầy, sau cái bắt tay
chào hỏi, giới thiệu của hai thầy trò cũng như sau những lời tâm sự, bộc bạch
của thầy. Bên ly trà nóng, hai thầy trò tôi đã trao đổi với nhau một cách thẳng
thắn, thoải mái và đầy xây dựng về công tác giảng dạy và bồi dưỡng học sinh
giỏi, đặc biệt là đội ngũ học sinh giỏi môn Ngữ văn sắp tới do tôi trực tiếp
hướng dẫn. Trong cách giao tiếp và nói chuyện của thầy, tôi nhận ra ở thầy một
sự thân thiện và gần gũi, ân tình; hoàn toàn không có khoảng cách thường thấy
giữa xếp và nhân viên… để rồi mọi suy nghĩ của tôi trước đó đã bị tan biến bởi
sự cởi mở, chân thành; thẳng thắn và sự sâu sắc nhưng cũng khá dí dỏm của thầy.
Thời gian tiếp nối thời gian, chúng tôi được công tác
cùng với thầy, tôi và cả tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường đều phải công
nhận rằng: Trong công việc thầy rất nghiêm túc, nhưng lại không cứng nhắc rập
khuôn mà ở thầy luôn là sự khéo léo, tế nhị và tinh tế trong cách giao yêu cầu
nhiệm vụ cho giáo viên cũng như cách giải quyết vấn đề có liên quan đến học
sinh và phụ huynh học sinh. Thầy luôn tạo ra sự hòa đồng và thân thiết vui vẻ
với mọi người. Trong nhiệm vụ và công việc của mình, thầy luôn nhiệt tình và vô
cùng trách nhiệm. Chính vì thế mà chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn và cho
đến tận bây giờ, thầy đã để lại trong lòng của cán bộ giáo viên sự trân quý, nể
trọng; thầy để lại trong lòng học sinh sự gần gũi chân tình cùng niềm tin yêu
mến.
Thầy
hiệu phó Nguyễn Văn Triệu trao phần thưởng cho học sinh giỏi
Với thâm niên gần 30 năm trong công tác giáo dục,
trong đó hơn 20 năm làm công tác quản lý chuyên môn, vì thế thầy luôn biết khéo
léo tạo sự thân thiện và gần gũi cần thiết trong cuộc sống, trong giao tiếp. Từ
đó thầy luôn biết cách tạo điều kiện để giáo viên chúng tôi được tự giác, tích
cực, chủ động trong công tác dạy học của mình. Thầy luôn biết cách quan tâm,
định hướng, tạo điều kiện cho giáo viên chúng tôi có cơ hội được bồi dưỡng
chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng sư phạm, phương pháp giảng
dạy thông qua các buổi dự giờ góp ý, những kỳ thao giảng, hội giảng, từ đó giáo
viên có cơ hội được tự khẳng định mình trong công tác Sư phạm của mình. Cùng
với đó, thầy luôn gần gũi quan tâm, động viên học sinh trong mọi mặt hoạt động
của các em trong nhà trường; chính vì vậy thầy luôn được các em học sinh dành
tình cảm yêu mến và kính trọng. Bên cạnh đó, thầy luôn là sứ giả tạo ra môi
trường đoàn kết, thân ái, dân chủ trong nhà trường để giáo viên vui và tự giác
cống hiến. Do đó, chỉ sau một năm thầy về trường, tất cả đã thay đổi… Giáo viên
chủ động hơn, cố gắng phấn đấu cống hiến hơn; học sinh cố gắng phấn đấu học tập
và rèn luyện tốt hơn; và dĩ nhiên là chất lượng chuyên môn; chất lượng giáo dục
và giáo dục mũi nhọn phát triển một cách khả quan, hiệu quả hơn rất nhiều. Điều
này được khẳng định trong kỳ thi học sinh giỏi 11 môn văn hóa của khối 9 cấp
huyện của năm học, toàn đoàn có 31 học sinh tham gia dự thi thì có 19 học sinh
đạt kết quả là học sinh giỏi cấp huyện. Điều vui hơn cả là lần này nhà trường
đã có nhiều học sinh đạt giải nhì, giải ba cấp huyện. Ngoài ra, thầy luôn chủ
động hoàn thành và hoàn thành xuất sắc công tác chuyên môn của mình, thầy luôn
là người gương mẫu đi đầu trong công tác thi đua; trong các cuộc vận động do Đảng,
Nhà nước hay Ngành phát động như: Cuộc vận động “Học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; trong phong
trào thi đua “Trường học thân thiện, học
sinh tích cực” cùng với nhiều những phong trào khác nữa.v.v... Là một hiệu
phó chuyên môn, thầy luôn thực hiện tốt quy chế dân chủ trong trường học; điều
này thể hiện qua từng công việc của thầy; thể hiện trong sự quan tâm và lắng
nghe tiếng nói của giáo viên chứ không hề áp đặt chủ quan… Thầy luôn tôn trọng
ý kiến của từng cá nhân giáo viên để rồi cùng cá nhân và tập thể giáo viên bàn
bạc những vướng mắc khó khăn và đề ra những biện pháp khắc phục cụ thể, vừa hợp
tình, vừa hợp lý. Có thể khẳng định rằng thầy giống như một kỹ sư tâm lý, biết
khích lệ đúng lúc, biết phê phán kịp thời, đúng thời điểm và rất khéo léo…
chính vì vậy mà nếu ai đó có lỡ lầm một việc gì đó như chậm lên lịch báo giảng,
hay chậm trả bài kiểm tra và báo cáo điểm Vnedu… thầy sẽ khéo léo, nhẹ nhàng
nhắc khiến mỗi người tự nhận ra lỗi lầm của mình mà sửa chữa, rèn luyện mà
không hề cảm thấy căng thẳng, gò bó hay áp lực nặng nề. Trong việc giáo dục đạo
đức cho các em học sinh, thầy luôn có thái độ nghiêm khắc nhưng với tấm lòng
bao dung, độ lượng, tôn trọng các em… Nhờ đó môi trường thân thiện trong nhà
trường luôn được thầy tích cực duy trì và phát triển một cách tốt nhất. Và bằng
sự thân thiện gần gũi ấy, thầy thực sự là chỗ dựa tinh thần vững chắc, là nguồn
động lực tiếp thêm nghị lực, niềm tin cho cả giáo viên và học sinh… chính vì
thế thầy luôn được cả tập thể cán bộ, giáo viên cùng với các em học sinh toàn
trường kính trọng, gần gũi tin yêu và quý mến.
Tôi còn nhớ trong buổi hội nghị viên chức của trường
năm học đầu tiên khi thầy về nhận nhiệm vụ, trong bài phát biểu của mình, thầy đã
viện dẫn lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với giáo viên rằng: “Giáo
viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị.
Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức… Cho nên thầy giáo, cô giáo
phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con”. Quả thật khi nghe lời viện dẫn
của thầy, chúng tôi ai cũng thầm hiểu rằng thầy đã thật sâu sắc khi dùng lời
dạy của Bác kính yêu để khéo léo nhắc nhở cán bộ giáo viên trong trường phải
luôn gương mẫu và hết lòng vì công việc, vì nhà trường và vì học sinh thân yêu.
Thầy
hiệu phó Nguyễn Văn Triệu phát biểu tại hội nghị viên chức
Là một Hiệu phó chuyên môn, thầy không chỉ làm tốt
công tác quản lý chuyên môn chung, mà thầy còn gương mẫu, chủ động trong công
tác giảng dạy học sinh. Bên cạnh đó thầy còn chủ động kết hợp với cán bộ phụ
trách Phổ cập của nhà trường để làm tốt công tác động viên học sinh bỏ, nghỉ
học ra lớp… Đã có nhiều ngày nắng, nhiều ngày mưa… thầy không quản ngại khó
khăn gian khổ để đi vào từng sóc, tìm đến với những gia đình đồng bào thiểu số
ở những vùng xa xôi, khó khăn nhất của xã để đồng cảm với những con người nghèo
khổ nơi đây và cũng là để giải thích cho họ hiểu, động viên cho họ thuận để họ
tiếp tục cho con cháu họ đến trường đi học trở lại. Với thầy công việc này
không chỉ là trách nhiệm, mà thầy coi công việc đó còn là tình thương; là niềm
vui và hạnh phúc của người thầy… Có nhiều lúc, ngồi tâm sự với thầy, tôi nói
với thầy rằng sao thầy không nhờ mấy thầy cô bộ môn dạy cho thầy mấy tiết; còn
việc đi vận động học sinh ra lớp thì thầy yêu cầu Giáo viên chủ nhiệm kết hợp
với cán bộ phụ trách Phổ cập đi xuống vận động là được rồi, thầy đi làm chi cho
cực chứ… Mỗi lúc ấy, thầy lại nhìn tôi và cười, thầy nói: “Thầy nhờ mấy giáo viên các em lên lớp dạy cho thầy mấy tiết hay yêu cầu
giáo viên chủ nhiệm đi xuống động viên học sinh ra lớp cũng được thôi, nhưng
nếu để mấy em lên lớp dạy thay thầy thì các em sẽ lại thêm vất vả, mà để các
giáo viên chủ nhiệm cứ phải thường xuyên vào trong sóc đồng bào để động viên học
sinh ra lớp thì họ lại thêm cực nhọc, mà thầy thì không có cơ hội để trải
nghiệm, bởi vì khi thầy lên lớp dạy là thầy đã thực hiện trải nghiệm thực tế
với học sinh trong việc tiếp thu kiến thức, và khi thầy đi vào trong sóc động
viên học sinh ra lớp cùng mấy em cũng là để thầy trải nghiệm thực tế với nỗi
khó khăn vất vả mà mỗi giáo viên các em đang phải đối diện thực hiện”… Nghe
thầy nói, tôi lại nhớ lại câu nói của một triết gia thế này: “Khi bạn làm ai đó hạnh phúc thì cũng là lúc
bạn khiến bản thân mình trở nên hạnh phúc”… Vâng! Chỉ vài lời tâm sự của
thầy, nhưng ở đó là tất cả sự quan tâm, sự thấu hiểu và cảm thông, chia sẻ của
thầy với giáo viên chúng tôi. Và những gì thầy đã và đang làm chính là thầy đã và
đang sẻ chia niềm vui hạnh phúc cho chúng tôi – những đồng nghiệp của thầy nhiều
lắm rồi. Quả đúng là cái nghĩa, cái tình của thầy thật lớn lao.
Càng được tận thấy những việc thầy đã và đang làm, tôi
lại càng vô cùng tâm đắc về lời dạy của bố tôi khi Người còn sống: “Con trai à! Nếu con muốn thu phục lòng
người thì trước tiên con phải bắt đầu từ sự thu phục chính con. Con phải bắt
đầu từ nhân tâm, rồi từ cái tâm ấy, con khéo léo dung hòa cùng cái lý, cái lẽ
để tạo sự thuyết phục lòng người... có như thế thì lòng người mới thuận, và lúc
đó con mới thực sự là một thủ lĩnh, một người chỉ huy tài ba được”… Và một
triết gia cũng đã nói về người thầy giáo như thế này: “Một người thầy giỏi không những là người truyền đạt tri thức tốt nhất
cho học sinh mà còn là người khơi dậy sự say mê, biết tạo niềm vui và động lực
học tập cho học sinh”... Còn tôi,
tôi chỉ có suy nghĩ đơn giản thế này: “Người
quản lý giỏi phải là người vững vàng trong tư duy kiến thức, có nhiệt huyết,
tận tâm, có đạo đức trong sáng, có trái tim nhân hậu. Phải luôn biết lắng nghe
để thấu hiểu và cảm thông và chia sẻ với đồng nghiệp, với cấp dưới… Người quản
lý giỏi phải luôn có sự khéo léo, tinh tế trong mọi yêu cầu công việc và mọi
phương pháp giải quyết công việc với đồng nghiệp, với cấp dưới”… và người đã làm được những điều thiết thực,
cao đẹp ấy chính là thầy Nguyễn Văn Triệu – Một người thầy giáo có tấm lòng cao
đẹp; một Hiệu phó chuyên môn mẫu mực về mọi mặt.
Quả thực, những việc thầy làm đã thực như một nốt nhạc
trong bản nhạc của cuộc đời của thầy vậy. Thầy đã cho đi bằng cả tấm lòng, bằng
sự thành tâm, đó là điều mà giáo viên chúng tôi ai cũng có thể thấy và cảm nhận
được ở thầy. Lúc này, trong trái tim tôi lại âm vang câu hát:
“Cũng có một vầng trăng
Nhưng sao thầy
không kể”…
Vâng! Thầy sẽ mãi là vầng trăng sáng, là tấm gương để
chúng tôi – những giáo viên, những đồng nghiệp của thầy học tập noi theo.
Tôi thầm cảm ơn cuộc đời này đã cho tôi may mắn được gặp
thầy, được công tác cùng với thầy để tôi được tận thấy những điều thầy đã và
đang làm vì sự nghiệp giáo dục của nhà trường; vì các em học sinh thân yêu; và để
rồi từ trong chính những việc làm thiết thực, ý nghĩa ấy của thầy, tôi đã nhận
ra một điều thật ý nghĩa cho mình rằng: “Ta
hãy sống như mặt trời; ta sống cho cuộc đời này thật ý nghĩa”.
Bài và ảnh: Lê Xuân Phác
Trường THCS Phước Minh, xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập