Thầy giáo Nguyễn Văn Châu (chính giữa) nhận bằng khen tại Lễ tuyên dương điển hình tiên tiến trong thực hiện Cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo”
Thầy Nguyễn Văn Châu sinh ra và
lớn lên ở thôn Tân Phú, xã Bù Nho (Bù Gia Mập). Gia đình đông anh em nên từ nhỏ
Châu đã phải sống tự lập. Cuộc sống tự lập đã giúp anh biết quý trọng thời
gian, tranh thủ làm việc ở mọi lúc mọi nơi. Những ngày còn ngồi trên ghế nhà
trường, anh luôn mơ ước trở thành nhà giáo. Ước mơ đó đã thôi thúc anh học
không biết mệt mỏi và đã thi đỗ vào khoa Giáo dục chính trị, Trường Đại học Sư
phạm TP. Hồ Chí Minh. Anh đã đạt nhiều giải thưởng trong suốt 4 năm học, như:
Sinh viên ba tốt, sinh viên xuất sắc,... Tốt nghiệp đại học, anh được phân công
về giảng dạy tại Trường THPT Hùng Vương từ năm 2006 đến nay.
Học tập phong cách quần chúng, dân chủ của Bác trong
cuộc sống cũng như trong công việc thầy luôn tận tụy, hết lòng, không ngại khó
khăn gian khổ, sống tiết kiệm, giản dị, không xa hoa, lãng phí. Đối với công
việc dù ở cương vị nào thầy cũng luôn gương mẫu đi đầu, làm việc một cách chu
đáo, cẩn thận.
Cách làm việc của thầy nhẹ nhàng nhưng hiệu quả công
việc cao, được các giáo viên trong tổ tin tưởng, yêu quý, học sinh kính trọng.
Trong công tác giảng dạy thầy có trình độ chuyên môn vững vàng, ý thức trách
nhiệm cao. Những giờ giảng của thầy đã thực sự cuốn hút và tạo ra được không
khí sôi nổi, hứng thú học tập cho học sinh.
Tôi đã nghe rất nhiều học sinh kể về thầy, các em quý thầy
không phải chỉ vì thầy dạy hay mà hơn hết là tấm lòng, sự tậm tâm của thầy dành
cho các em. Thầy luôn khuyến khích, động viên và giúp đỡ học sinh. Chính sự gần
gũi, quan tâm của thầy đã làm các em ngày càng cố gắng học tập tiến bộ hơn.
Ở thầy với tấm lòng yêu nghề, tất cả vì học sinh thân
yêu thầy luôn gần gũi, thương yêu, quan tâm giúp đỡ và chỉ bảo cho các em từng
bước trên con đường học tập. Thầy luôn lắng nghe và chia sẻ những tâm tư,
nguyện vọng của học sinh, thẳng thắn chỉ ra những điều sai trái và hướng dẫn
các em khắc phục những nhược điểm của mình. Bằng tấm lòng, tình cảm chân thành
của mình thầy đã để lại những ấn tượng và tình cảm tốt đẹp trong lòng học sinh
bao thế hệ. Em Ngô Thị Trinh học sinh lớp 12TN4 dù đã ra trường rất lâu nhưng
vẫn luôn nhớ về thầy, không có điều kiện đến thăm thầy thường xuyên nhưng mỗi
lần gặp tôi, em luôn hỏi thăm về thầy "Thầy ơi, thầy Châu có khỏe không?
Dạo này thầy Châu có bồi dưỡng học sinh giỏi nữa không ạ? Thầy Châu vẫn còn làm
công tác đoàn chứ ạ?,...". Có lẽ đó chỉ là những lời hỏi thăm rất bình
thường nhưng tôi cảm nhận được tình cảm chân thành, sự quan tâm sâu sắc của em
đối với thầy, người thầy mà em yêu quý và luôn nhớ đến với tấm lòng kính trọng
và ngưỡng mộ. Đó là niềm hạnh phúc to lớn của người giáo viên khi được học trò
dành cho những tình cảm tri ân. Để đạt được điều đó không phải là dễ, nó đòi
hỏi hội tụ ở người giáo viên nhiều phẩm chất. Đúng như lời của Xukhomlinxki
"Đối với người giáo viên, cần phải
có kiến thức, có hiểu biết sư phạm về quy luật xã hội, có khả năng dùng lời nói
để tác động đến tâm hồn học sinh. Có kỹ năng đặc sắc nhìn nhận con người và cảm
thấy những rung động tinh tế nhất của trái tim con người". Thầy đã làm
được điều đó.
Thầy không chỉ hoàn thành xuất sắc, có kết quả cao
trong công việc mà trong quan hệ với đồng nghiệp thầy rất thân thiện, cởi mở,
luôn quan tâm, tận tình giúp đỡ anh chị em trong cơ quan. Khi có giáo viên nào trong tổ bệnh hay có
việc gia đình thì thầy sẵn sàng đi dạy thay hay làm thay việc cho giáo viên đó.
Với những giáo viên trẻ mới ra trường còn bỡ ngỡ, chưa có kinh nghiệm trong
giảng dạy thầy tận tình hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ, thầy thường xuyên
chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, hoàn thành tốt nhiệm vụ
được giao. Mặc dù công việc rất bận rộn nhưng khi gia đình, người thân của đồng
nghiệp có người ốm đau, hiếu, hỉ, ... thầy đều đến thăm hỏi, động viên, chia sẻ
và an ủi kịp thời.
Trong các công việc, phong trào của nhà trường thầy
không nề hà, từ chối bất cứ việc gì, việc nào thầy cũng luôn hết lòng. Mặc dù công việc của thầy rất bận rộn nhưng
trước những khó khăn của nhà trường thầy không đứng ngoài cuộc, luôn gương mẫu
đi đầu đúng với phương châm "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau".
Thầy Cao
Vũ Mưu, Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương cho biết, trong công tác giảng dạy,
thầy Châu luôn tận tâm, nhiệt huyết với nghề. Trong phong trào Đoàn, thầy luôn
chứng tỏ được vai trò thủ lĩnh. Thầy Châu đã xây dựng nhiều kế hoạch hoạt động
và chương trình hành động ý nghĩa như: “Quỹ nuôi heo đất”, “Thắp sáng ước mơ”
để giúp đỡ, khích lệ, động viên học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong
học tập. Nhiều năm qua, các chương trình, kế hoạch đã phát huy tác dụng tốt.
Tuy các phần quà không lớn nhưng giúp nhiều em vượt qua khó khăn, yên tâm học
tập.
Những việc làm của thầy thể hiện sự tận tụy với công
việc, sự thân thiện, gần gũi, tình yêu thương, sự quan tâm, sâu sát, trách
nhiệm đối với học sinh và đồng nghiệp của mình. Đây chính là phong cách quần
chúng, dân chủ và nêu gương mà thầy đã học được từ tấm gương đạo đức Hồ Chí
Minh.
Là một thầy giáo
gương mẫu, luôn ý thức và đi đầu thực hiện khẩu hiệu của Ngành giáo dục: "Mỗi thầy cô giáo là tấm gương tự học -
sáng tạo". Học tập và làm theo tấm gương của Bác, thầy là tấm gương để
đồng nghiệp học tập, học sinh noi theo. Khi giao tiếp với thầy tôi cảm nhận
được sự gần gũi, giản dị, chứng kiến cách thầy giao tiếp ứng xử với học sinh,
phụ huynh và đồng nghiệp mới thấy cái tình thầy dành cho mọi người nó chân
thành, ấm áp đến thế nào. Đó là cái Tâm của thầy với nghề, với trò và đồng
nghiệp. Thầy là thế, luôn là thế, vẫn với cái tâm trong sáng, tận tụy với nghề
không thể khác được.