image banner
Tư tưởng hồ chí minh về tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân
Lượt xem: 1462

 “Tháp Mười đẹp nhất bông sen,

Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”

Chủ tịch Hồ Chí Minh - một con người sinh ra từ chân lí - người Việt Nam đẹp nhất. Người đã đi xa “Phòng lặng rèm buông tắt ánh đèn” nhưng cuộc đời, sự nghiệp và tấm gương đạo đức của Người đã trở thành bất tử. Người là kết tinh và toả sáng những gì ưu tú nhất, tốt đẹp nhất của trí tuệ và đạo đức Việt Nam. Phẩm chất và đạo đức của Người mãi mãi là tấm gương sáng ngời cho dân tộc Việt Nam noi theo, trong đó Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân là nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh, tạo động lực to lớn cho công cuộc đổi mới; đồng thời là giải pháp quan trọng, cấp bách trong xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị giai đoạn hiện nay.

Tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh về Tôn trọng nhân dân

 + Tôn trọng Nhân dân  trong tư tưởng của Người được thể hiện ở thái độ đánh giá cao vai trò, vị trí của nhân dân. Theo Bác, muốn thật sự tôn trọng nhân dân thì phải hiểu dân. Chính tài dân, sức dân, của dân, quyền dân, lòng dân, sự khôn khéo, hăng hái, anh hùng đã tạo nên “cái gốc” của dân.  Ý thức tôn trọng nhân dân còn phải đặc biệt chú ý không xâm phạm đến lợi ích, quyền lợi hợp pháp, không xúc phạm nhân dân. Phải luôn luôn tôn trọng và giữ gìn của công, của nhân dân.

+Ý thức tôn trọng Nhân dân thể hiện nổi bật trong đạo đức Hồ Chí Minh là sự thống nhất giữa tư tưởng đạo đức và tư tưởng chính trị của Người, là việc coi trọng, đề cao ý dân, sức dân, bởi “Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Vì vậy, “đối với dân, ta đừng có làm điều gì trái ý dân. Dân muốn gì, ta phải làm nấy”. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, yêu kính nhân dân, thật sự tôn trọng nhân dân.

+Phong cách Hồ Chí Minh tôn trọng nhân dân xuất phát một cách tự nhiên từ nhân cách, cuộc đời, cái tâm, cái đức vì nước, vì dân của Người. Phong cách tôn trọng nhân dân của Hồ Chí Minh thể hiện nhiều cách. Hồ Chí Minh có cách giao tiếp hoàn toàn mới giữa lãnh tụ và quần chúng nhân dân, thể hiện thái độ yêu thương, quý mến, trân trọng con người.

Câu chuyện sau đây toát lên rõ nét tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người về tôn trọng nhân dân, hiểu dân và phát huy năng lực, tài sức của dân

Chuyện kể rằng, một lần trên đường đi chiến dịch, đến một con suối nước sâu, chảy xiết… mấy chiến sĩ rất lo. Việc thì gấp làm sao bây giờ? Giá chỉ mấy anh em thì lội ào sang, chẳng ngại. Nhưng Bác Hồ? “Làm sao để đảm bảo cho Bác sang được an toàn?” ​

Anh em chia nhau xuống dò từng khúc suối xem mực nước nông, sâu, rồi bàn bạc sôi nổi. Có người nói: “Bảy người dàn hàng dọc cho Bác vịn mà sang”. Người khác bảo: “Đi kiếm dây rừng dăng qua suối để Bác qua”. Có anh hăng hái: “ Để tớ cõng Bác sang”. Lại có anh ngần ngại: “Ta nghỉ lại một hai giờ, chờ nước rút bớt hãy qua”.

          Giữa lúc đó thì Bác Hồ đi tới. Thấy thế, Bác nói:

- Các chú đã tìm hết lối sang suối chưa?

- Thưa Bác, chúng cháu tìm kĩ rồi, xem chừng chỗ này nông hơn, đá nhỏ, và nước không chảy xiết lắm.

Bác đứng nhìn bao quát quanh đó một lúc, rồi hỏi: “Thế các chú chỉ tìm ở bờ nước thôi à?”

Nghe hỏi, anh em đều ngạc nhiên: Tìm lối sang suối không tìm ở bờ nước thì tìm ở đâu? Anh em liền thưa: “Thưa Bác, vâng ạ !”

Bác cười: “Phải tìm trong dân chứ!”

Rồi Bác giải thích: “Ở đây, hai bên bờ suối đều có ruộng nương của đồng bào, chẳng lẽ những ngày nước lũ, đồng bào lại không đi ruộng đi nương? Chỉ tìm lối sang ở bờ nước là không biết dựa vào dân”

Cả bảy chiến sĩ lúc đó mới vỡ lẽ. Một anh liền chạy đến cái bản ở cách đó không xa. Lát sau, anh chạy trở về, kêu to: “Có cầu, có cầu!”

Cả đoàn đi ngược theo dòng suối một quãng thì quả thấy một chiếc cầu tre rất chắc chắn gác qua ngọn cây hai bên bờ suối.

Tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh về Phát huy dân chủ 

+ Phát huy dân chủ là một khía cạnh biểu hiện ý thức tôn trọng nhân dân. Từ chỗ đánh giá cao vai trò của dân, Hồ Chí Minh nhấn mạnh trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, làm sao cho họ có năng lực làm chủ, biết hưởng, dùng quyền dân chủ, dám nói, dám làm. Dân chủ được Người giải thích ngắn gọn, súc tích là dân làm chủ và dân là chủ. Trong nước, dân chủ thì địa vị cao nhất là dân, dân là quý nhất, lực lượng nhân dân là mạnh nhất. Phát huy dân chủ là phát huy tài dân. Muốn vậy, thì phải chịu khó nghe dân, gặp dân, hiểu dân, học dân, hỏi dân. Học hỏi dân để lãnh đạo dân. Theo Hồ Chí Minh “Không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân. Có biết làm học trò dân, mới làm được thầy học dân”.

+ Đạo đức Hồ Chí Minh về phát huy dân chủ được hiểu ngắn gọn: Dân là chủ và dân làm chủ. Từ chỗ nâng cao dân trí, bồi dưỡng ý thức, năng lực làm chủ, phát triển văn hóa chính trị và tính tích cực công dân, khuyến khích nhân dân tham gia vào công việc của Đảng, Chính phủ, thì một điều quan trọng là tạo điều kiện cho dân “dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”

+Phong cách Hồ Chí Minh phát huy dân chủ xuất phát từ chỗ tôn trọng nhân dân, đề cao vai trò, vị trí của nhân dân. Dù bận rất nhiều công việc đối nội, đối ngoại, nhưng về với dân, đến với quần chúng, những người “không quan trọng” để học dân, hỏi dân, hiểu dân, nghe dân nói, thấy dân làm, để nắm vững dân tình, dân tâm, dân ý là nhu cầu thường trực của Bác.

Để thực hiện phong cách dân chủ, cần phải hiểu: “nếu quần chúng nói mười điều mà chỉ có một vài điều xây dựng, như thế vẫn là quý báu và bổ ích. Uy tín của người lãnh đạo là ở chỗ mạnh dạn thực hiện tự phê bình và phê bình, biết học hỏi quần chúng, sửa chữa khuyết điểm, để đưa công việc ngày càng tiến bộ chứ không phải ở chỗ giấu giếm khuyết điểm và e sợ quần chúng phê bình”. Người chỉ rõ: “để phát huy ưu điểm, điều quan trọng nhất là để cho dân nói. Dân biết nhiều việc mà các cấp lãnh đạo không biết. Việc gì cũng phải bàn với dân; dân sẽ có ý kiến hay”

Tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh về Chăm lo đời sống Nhân dân 

+ Chăm lo đời sống Nhân dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh là vì con người, do con người, trước hết là vì dân và do dân. Người nói rằng “tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”

Theo Bác, muốn có sức dân, lòng dân thì phải chăm lo đời sống của dân. Trước lúc đi xa, Hồ Chí Minh vẫn quan tâm “đầu tiên là công việc đối với con người”. Người dặn trong Di chúc “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

 + Đạo đức Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống nhân dân thể hiện rất rõ ở quan điểm khi Người nói về một trong những điều tóm tắt, thì đạo đức cách mạng là: Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Chăm lo đời sống nhân dân là sứ mệnh của Đảng ta ngay từ khi ra đời. “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”

Trăn trở về đời sống Nhân dân, trong Di chúc, Người không quên nhắc nhở Đảng, Nhà nước “chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”.

+ Phong cách Hồ Chí Minh chăm lo đời sống cho nhân dân: Trong sự nghiệp kiến thiết chủ nghĩa xã hội, Người cho rằng “hễ còn có một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ”. Người nói: “một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu cực khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”, Người biến tình thương thành trách nhiệm của bản thân.

Theo Người, Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải gần gũi nhân dân, quan tâm đến những việc nhỏ cho đời sống hằng ngày của Nhân dân. “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi. Vì vậy, cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới, đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân. Phải lãnh đạo, tổ chức, giáo dục nhân dân tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Dân đủ ăn đủ mặc thì những chính sách của Đảng và Chính phủ đưa ra sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được”.

Nói chuyện tại hội nghị sản xuất cứu đói, Người chỉ rõ: “Khi thiếu gạo, cán bộ không biết tổ chức sản xuất tự cứu, không biết tổ chức nhân dân giúp đỡ nhau. Không biết tổ chức trưng vay. Khi nhận được gạo, lại còn cấp phát tràn lan, chậm chạp, gạo đến người đói chậm, người không đói cũng nhận được gạo. Quá tệ hơn nữa là gạo của Chính phủ giúp dân, chừng một nửa đến tay dân đói, còn một nửa bị tham ô, lãng phí”. Theo Hồ Chí Minh, tham nhũng là tội ác với dân, cần nghiêm trị tất cả những kẻ bất liêm, bất kể chúng là ai, ở cương vị nào.

 

 

Liên hệ thực tế:

Có thể nói cuộc đời và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử và đời sống tâm hồn dân tộc Việt Nam. Đó sẽ là một dòng máu đỏ tươi chảy trong huyết quản của mỗi người dân đất Việt. Đó chính là chất người cộng sản toả ánh hào quang soi đường chỉ lối cho mọi thế hệ người Việt, cho cho tôi, cho các đồng chí và cho tất cả chúng ta.

Từ nhiều kênh thông tin khác nhau, bản thân tôi luôn lắng nghe ý kiến, nắm bắt tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên công đoàn, làm cơ sở tham mưu những hoạt động phù hợp, đặc biệt là hướng về cơ sở, để chăm lo tốt nhất đến đời sống, vật chất văn hóa, tinh thần người lao động; tranh thủ mọi nguồn lực bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, đoàn viên công đoàn; tiếp thu ý kiến từ người lao động, đoàn viên công đoàn. Trong các hoạt động, tôi hòa mình với đoàn viên, CNVCLĐ, gần gũi, sẻ chia.Và vì vậy mà họ không ngần ngại trò chuyện với tôi.

          Tôi còn nhớ như in, thời điểm lấy ý kiến về dự Luật đặc khu kinh tế, rất nhiều anh chị em công nhân nhắn tin cho tôi và tỏ thái độ bức xúc trước chủ trương này, mặc dù chưa hiểu rõ được vấn đề. Tôi thức rất khuya để trò chuyện và giúp họ hiểu ra vấn đề. Có nhiều bạn đã đăng fb, zalo bất bình, khi nghe tôi giải thích thì đã gỡ xuống và chính tôi đã trở thành người bạn để họ tỏ bày, tâm sự những lúc khó khăn.

          Gần đây nhất, có một bạn công nhân làm việc tại Công ty Phúc Thịnh, KCN Đồng  Xoài I, gọi điện để hỏi về việc thu, nộp đoàn phí và sử dụng nguồn kinh phí từ thu nộp đoàn phí. Bạn ấy cho trằng, cả năm nộp đoàn phí nhưng không bao giờ được nhận từ Công đoàn 1 khoản hỗ trợ, quà … và tỏ bày muốn xin ra khỏi công đoàn. Sau khi được giải thích, thì bạn ấy đã nghe ra và rất tin tưởng tôi.

Điều đó, cho thấy gần gũi, tôn trọng nhân dân sẽ hiểu dân, giúp được dân, từ đó chăm lo tốt nhất được cho nhân dân.

Ý thức vì dân, tôn trọng nhân dân của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể hiện nay có chuyển biến rõ nét. Nhiều người đứng đầu các tỉnh, thành phố, quận, huyện, các ngành trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với dân, tháo gỡ nhiều vướng mắc, từ đó tranh thủ những ý kiến sáng tạo từ nhân dân.

          Tổ chức Công đoàn từ Trung ương đến địa phương cũng đã làm được nhiều việc có lợi cho đoàn viên, CNVCLĐ. Cần lắm ý thức tôn trọng nhân dân của mỗi cán bộ làm công tác công đoàn như chúng ta. Có như vậy chúng ta mới chăm lo tốt đến đời sống của đoàn viên, CNVCLĐ và đó cũng chính là cách để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

                                                                             Bùi Văn Sơn


Admin

Bản quyền thuộc về Công đoàn tỉnh Bình Phước

 Địa chỉ: Quốc lộ 14 - Phường Tân Phú - Thành phố Đồng Xoài - tỉnh Bình Phước

 Điện thoại: 02713879941  Fax: 02713881185

 Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Văn Sang - Trưởng Ban Biên tập - Phó Chủ tịch Công đoàn tỉnh Bình Phước

Thiết kế bởi VNPT Bình Phước | Quản trị