image banner
Câu chuyện về bài học “Quý trọng thời gian”
Lượt xem: 1564

Sinh thời, Bác Hồ của chúng ta yêu cái gì nhất, ghét cái gì nhất? Theo dõi qua tác phẩm, hoạt động và sinh hoạt đời thường, điều ta có thể thấy rõ cái mà Người ghét nhất là các thói quan liêu, tham nhũng, xa hoa, lãng phí tiền bạc và thời gian của nhân dân.

Ở một mức độ khác, thấp hơn, những người có điều kiện tiếp xúc và làm việc với Bác Hồ, thấy rõ nhất là Bác rất khó chịu khi thấy cán bộ làm việc không đúng giờ.

Năm 1945, mở đầu bài nói chuyện tại Lễ tốt nghiệp khóa V Trường huấn luyện cán bộ Việt Nam, Người thẳng thắn góp ý: "Trong giấy mời tới đây nói 8 giờ bắt đầu, bây giờ 8 giờ 10 phút rồi mà nhiều người chưa đến. Tôi khuyên anh em phải làm việc cho đúng giờ, vì thời gian quý báu lắm".

Trong kháng chiến chống Pháp, một đồng chí cấp tướng đến làm việc với Bác sai hẹn mất 15 phút, tất nhiên là có lý do: mưa to, suối lũ, ngựa không qua được. Bác bảo:

- Chú làm tướng mà chậm đi mất 15 phút thì bộ đội của chú sẽ hiệp đồng sai đi bao nhiêu? Hôm nay chú đã chủ quan, không chuẩn bị đầy đủ các phương án, nên chú đã không giành được chủ động.

Một lần khác, Bác và đồng bào phải đợi một đồng chí cán bộ đến để bắt đầu cuộc họp. Bác hỏi:

- Chú đến chậm mấy phút?

- Thưa Bác, chậm mất 10 phút ạ!

- Chú tính thế không đúng, 10 phút của chú phải nhân với 500 người đợi ở đây.

Bác quý thời gian của mình bao nhiêu thì cũng quý thời gian của người khác bấy nhiêu, vì vậy Bác không bao giờ để bất cứ ai phải đợi mình. Thói quen đúng giờ cần được rèn luyện nghiêm túc từ lúc nhỏ, cần tuân thủ trong mọi hoàn cảnh, khi có sự kiện bất khả kháng không đến được cần phải báo trước, xin phép, đề nghị người thay thế, tránh để cả tập thể đợi chờ vì một vài cá nhân.

+ Bài học kinh nghiệm trong thời gian qua:

- Bản thân tôi tự đặt ra cho mình nguyên tắc phải chấp hành đúng thời gian trong mọi việc, không để người khác phải chờ đợi mình.

- Là phó ban tuyên giáo, tôi luôn gương mẫu thực hiện, có kế hoạch cụ thể hàng tuần để chủ động quản lý thời gian công việc hợp lý.

- Là phó bí thư chi đoàn, tôi và ban chấp hành luôn cố gắng quán triệt đoàn viên thanh niên đúng giờ trong mọi hoạt động của chi đoàn, tạo nên một tập thể hoạt động nghiêm túc về thời gian.

- Khi có sự cố xảy ra không thể đến đúng giờ, phải gọi điện xin phép, báo cáo lý do chính đáng.

- Tuy nhiên hiện nay vẫn còn một bộ phận CBCC lãng phí quỹ thời gian, chưa có kế hoạch quản lý và sử dụng thời gian hợp lý.

+ Phương pháp sử dụng thời gian của bản thân:

- Đặt những mục tiêu ngắn hạn như trong 1 ngày, trong 1 tuần, 1 tháng, 1 năm phải làm được những gì, hoàn thành những việc nào. Khi đã có những gạch đầu dòng rõ ràng về các mục tiêu của bản thân, bản thân sẽ biết mình phải dành thời gian để làm gì.

- Đưa ra danh sách việc cần làm: Cách tốt nhất để hoàn thành các mục tiêu và sử dụng quỹ thời gian của một ngày hiệu quả nhất là đưa ra danh sách những việc cần làm. Mỗi buổi sáng giành 5 - 10 phút để viết ra giấy những việc phải hoàn thành trong ngày và thống kê lại kết quả vào cuối ngày. Tất nhiên, thực tế những gì diễn ra mỗi ngày không phải lúc nào cũng giống như những gì chúng ta đã "lập trình", sẽ có những việc phát sinh mới mà không thể lường trước, nhưng phải luôn cố gắng để thực hiện được việc quan trọng đã đề ra trong ngày.

- Biết ưu tiên công việc: Trong quá trình sắp xếp công việc trong một ngày chúng ta có quá nhiều việc để làm, chính vì vậy cần ưu tiên làm những việc quan trọng, cần thiết trước, sau đó là những việc ít cần thiết, ít quan trọng hơn…

- Không thỏa hiệp với bản thân: "Việc hôm nay chớ để ngày mai" nhưng hầu như trong chúng ta đều có thói quen tự thỏa hiệp với chính mình với suy nghĩ: "Để làm sau cũng được!". Càng dễ dãi với bản thân, chúng ta sẽ càng lãng phí thời gian vô ích, cuối cùng công việc lại chồng chất và phải giải quyết trong tình trạng "nước đến chân mới nhảy", tất nhiên hiệu quả công việc không bao giờ được như ý muốn.

          Nói tóm lại, câu chuyện về thói quen đúng giờ của Bác thể hiện sự tôn trọng của Bác với mọi người, đó cũng là sự tôn trọng chính bản thân mình. Tôi mong qua câu chuyện nhỏ về thói quen đúng giờ của Bác, sự lãng phí thời gian, tiền bạc của nhân dân là một trong những thứ bác ghét nhất cũng sẽ là thứ ghét nhất của tất cả chúng ta. Trong chúng ta ai cũng chỉ có 24 giờ mỗi ngày để sống, làm việc, nghỉ ngơi. Ai biết sử dụng quỹ thời gian hiệu quả thì người ấy sẽ thành công! Chẳng ai muốn mình bị người khác lạm dụng hoặc làm lãng phí quỹ thời gian ít ỏi. Tôi tin rằng mọi người có cố gắng và quyết tâm thì sẽ khắc phục và làm được.

Sông Hương

Admin

Bản quyền thuộc về Công đoàn tỉnh Bình Phước

 Địa chỉ: Quốc lộ 14 - Phường Tân Phú - Thành phố Đồng Xoài - tỉnh Bình Phước

 Điện thoại: 02713879941  Fax: 02713881185

 Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Văn Sang - Trưởng Ban Biên tập - Phó Chủ tịch Công đoàn tỉnh Bình Phước

Thiết kế bởi VNPT Bình Phước | Quản trị