image banner
Câu chuyện với tựa đề: Bác Hồ viết Di chúc
Lượt xem: 956

Sáng thứ hai, 10-5-1965, Hồ Chủ tịch dặn ông Vũ Kỳ:

- Chú Kỳ, tí nữa lên làm việc, lấy cho Bác mười tờ giấy trắng và chiếc phong bì to nhé.

Đúng chín giờ trong phòng làm việc trên nhà sàn yên tĩnh, gió mát dịu, thoang thoảng hương thơm của hoa vườn… Bác Hồ đặt bút viết những dòng đầu tiên của bản tài liệu “Tuyệt đối bí mật” để dặn lại mai sau. Hôm ấy, Bác viết:

“…Năm nay tôi đã 75 tuổi… Tôi để lại mấy lời này… Phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác …”

Một giờ trôi qua, đúng mười giờ, Bác gấp những tờ giấy, cẩn thận cho vào phong bì, để vào ngăn trên giá sách. Bác ung dung trở lại công việc hàng ngày của vị Chủ tịch nước.

Sáng hôm sau, 11-5, đúng chín giờ, Bác lại lấy chiếc phong bì xuống, ngồi vào bàn, chăm chỉ viết… Bác viết về Đảng, về đoàn kết, về đạo đức cách mạng…

Những ngày 12-5, 13-5, cũng từ chín giờ đến 10 giờ, Bác viết tiếp các phần khác.

Sáng thứ sáu, 14-5, trong bộ quần áo lục quen thuộc, Bác đi thăm bà con nông dân xã Xuân Phương (Từ Liêm), đang làm việc trên đồng, đến mười giờ mới về nhà. Chiều hôm ấy Bác dành thời gian gấp đôi, từ 14 đến 16 giờ để viết.

“… Cuối cùng tôi để lại muôn vàn thân yêu…”

Đêm ấy, Bác đi dự lễ kỷ niệm lần thứ 24 ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong với các cháu thiếu niên Thủ đô về, vừa đúng 21 giờ. Bác trao chiếc phong bì to cho ông Vũ Kỳ, dặn:

- Chú cất giữ cẩn thận cho Bác, sang năm, mồng mười tháng năm, nhớ đưa lại cho Bác.

Một năm qua. Trước 9 giờ ngày 10-5-1966, ông Vũ Kỳ đã đặt “Tài liệu tuyệt mật” trên bàn làm việc của Bác. Nhưng hôm ấy, Bác không viết gì thêm. Và trong những ngày 11,15,16-5 Bác đều dành một giờ, từ 9 giờ đến 10 giờ sáng, xem lại, bổ sung tài liệu… 14 giờ ngày 16-5, Bác trao lại chiếc phong bì cho ông Vũ Kỳ và nói:

- Chú chuẩn bị ngày mai chúng ta lại đi công tác sớm…

Lại đúng 9 giờ ngày 10-5-1968, Bác lại ngồi vào bàn viết, chiếc phong bì đựng tài liệu trước mặt… từ 11 đến 18-5, vào cái “giờ thiêng” ấy, Bác đều đọc, sửa lại tài liệu.

Sáng 10-5-1969, Hội nghị Trung ương họp ở nhà khách Hồ Tây, Bác lên dự, rồi về nhà lúc hơn 9 giờ. Bác bảo ông Vũ Kỳ “Chuẩn bị tài liệu”. Hôm nay, Bác làm việc từ 9 giờ rưỡi đến 10 giờ rưỡi. Bác viết lại toàn bộ đoạn mở đầu vào mặt sau tờ Tin tham khảo đặc biệt ngày 3-5-1969 của Thông tấn xã Việt Nam.

Như vậy là đến ngày 10-5-1969, Bác đã viết xong toàn bộ “Tài liệu tuyệt mật” - bản Di chúc lịch sử - kể từ 10-5-1965 đến 10-5-1969 vừa chẵn bốn năm. Trừ phần cuối vẫn giữ nguyên như năm 1965, còn phần đầu, phần giữa đều được Bác thêm bớt sửa chữa qua bốn năm nghiền ngẫm. Riêng năm 1968, Bác viết bổ sung thêm nhiều điểm quan trọng, nhưng giống như là một bản phụ lục, chứ không viết vào bản chính thức như đã công bố.

… Buổi chiều 18-5-1969, từ 14 đến 15 giờ 25 phút, anh em trong cơ quan tổ chức mừng thọ Bác 79 tuổi một cách nhẹ nhàng, ấm cúng… Đây là lễ mừng thọ Bác lần cuối cùng.

Bài học kinh nghiệm

+ Sự khiêm tốn và tính chu đáo của Bác.

Trong quá trình làm việc sự khiêm nhường và chu đáo sẽ giúp người CBCC thực hiện nhiệm vụ tốt hơn.

Nhìn vào thực tế, chúng ta thấy không ít CBCC tự cao tự đại, nói nhiều làm ít, nói thì hay mà khi thực hiện lại dở, làm trả nợ, khi làm việc không tập trung suy nghĩ nghiên cưu, cẩu thả, …do vậy kết quả công việc chất lượng không cao, nhiều sai sót, it được sự quan tâm, đóng góp, góp ý của mọi người.

Chúng ta gọi là Di chúc, trong khi với tất cả sự khiêm nhường cao quý Người chỉ gọi là một bức thư, là mấy lời để lại cho đồng bào đồng chí để phòng khi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê-nin và các vị cách mạng đàn anh khác để đồng bào trong nước và đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột.

Một bức thư và mấy lời để lại mà Người đã dồn tâm lực, trí lực của mình bốn, năm năm liền, viết và sửa, đọc lại và nghiền ngẫm, trong đó có hai năm 1966 và 1967, Người suy nghĩ rất lâu mà không sửa một chữ nào, để năm sau - 1968, Người đã chỉnh sửa, bổ sung những điều ấp ủ từ lâu. Cho đến lần cuối cùng, bốn tháng trước khi mất, Người đã dành liên tục mười ngày liền đọc lại, sửa lại, hoàn thành một công việc hệ trọng, tổng kết một cuộc đời, một sự nghiệp để thanh thản ra đi.

+ Về vấn đề thời điểm và sắp xếp công việc

          Có những lúc chúng ta có rất nhiều công việc trong cùng thời điểm, vậy sắp xếp như thế nào hợp lý trong khi nguồn lực có giới hạn.

Một ngày đêm 24 giờ, Người chỉ có một giờ thanh thản thật hiếm hoi để viết Di chúc, đó là từ 9 đến 10 giờ sáng - giờ minh mẫn nhất. Do vậy chúng ta nên sắp xếp thực hiện việc quan trọng vào lúc ta minh mẫn nhất để công việc đạt hiệu quả.

Đỗ Chiến Thắng


Admin

Bản quyền thuộc về Công đoàn tỉnh Bình Phước

 Địa chỉ: Quốc lộ 14 - Phường Tân Phú - Thành phố Đồng Xoài - tỉnh Bình Phước

 Điện thoại: 02713879941  Fax: 02713881185

 Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Văn Sang - Trưởng Ban Biên tập - Phó Chủ tịch Công đoàn tỉnh Bình Phước

Thiết kế bởi VNPT Bình Phước | Quản trị