image banner
Sinh hoạt chuyên đề học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tháng 10/2018
Lượt xem: 1257

Câu chuyện với tựa đề: Bác Hồ với tinh thần tự học

Mùa hè năm 1911, Bác đặt chân lên đất Pháp, đối với Bác, kể từ thời điểm đó mọi việc từ sinh hoạt hàng ngày, tới công việc, nhằm tìm ra con đường cứu nước, cứu dân đều phải sử dụng tiếng Pháp. Vì thế, nếu không biết tiếng Pháp thì thật là “trở ngại lớn nhất trên con đường tìm đường cứu nước, cứu dân”. Bác đã đặt ra quyết tâm “Nhất định phải học nói, học viết cho kỳ được” và Bác đã tìm ra được phương pháp học cho riêng mình dù trong hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn.
Ngay khi còn trên chuyến tàu sang Pháp (La-tu-sơ Tơ-rê-vin, dưới các tên Văn Ba) mỗi lúc rảnh rỗi, Bác thường tìm đến hai người lính trẻ đi cùng chuyến tàu để học đọc và viết tiếng Pháp. Họ cho Bác mượn những quyển sách nhỏ in tiếng Pháp. Muốn biết rõ về cái gì, muốn biết đồ vật nào đó viết bằng tiếng Pháp như thế nào, Bác đều chỉ tay hỏi. Tối tối sau khi đi làm về, Bác ghi lại những từ mới vào. Học được chữ nào, Bác ghép chúng lại thành câu thực hành ngay.

Ban đầu, Bác tập ghép một vài từ, sau ghép thành đoạn, dần dần Người tập viết thành từng bài dài. Một thời gian sau, Bác tìm đến các tờ báo của Pháp để xin được viết bài đăng báo. Trong những lần gửi bài, Bác nói với mọi người trong Tòa soạn rằng: “Tôi rất sung sướng nếu bài viết này của tôi được đăng, nhưng dù thế nào cũng xin các đồng chí sửa lỗi tiếng Pháp cho tôi”. Sau mỗi lần bài viết của Bác được đăng báo, Bác vui mừng khôn xiết, và theo chỉ dẫn của những chủ bút Bác vẫn không quên xem lại từng câu từng chữ, xem bài viết của mình đúng sai chỗ nào, Toà soạn báo đã sửa lại cho mình ra sao? Bác tập viết đi viết lại, khi thì viết diễn giải ra cho dài, lúc là những đoạn ngắn cho súc tích.

Cứ sau mỗi ngày làm việc, dù công việc bận bịu tới đâu, Bác vẫn tranh thủ đọc vài trang tiểu thuyết, vừa để giải trí, thư giãn đầu óc lại vừa để trau dồi kiến thức. Bác tập viết những bài phóng sự. Sáng nào Bác cũng viết từ 5 giờ đến 6 giờ rưỡi, tới 7 giờ Bác lại bắt tay vào công việc. Dù trời nóng hay rét Bác cũng không nản chí. Thấm thoắt thời gian trôi đi, cho đến năm 1922, Bác đã trở thành chủ bút của tờ báo “Người cùng khổ” viết bằng 3 thứ tiếng. Tên báo bằng tiếng Pháp đặt ở giữa, chữ Ả Rập bên trái và bên phải là chữ Hán, tất cả đều do Bác viết. Do Tòa soạn báo không có Ban biên tập thường xuyên, nên nhiều khi Bác phải “cáng đáng” mọi việc từ khâu sửa chữa, biên tập bài vở, tới khâu bán báo.

Bài học kinh nghiệm:

Từ câu chuyện kể trên, bản thân tôi nhận thấy những bài học cho mình như sau

Về nhận thức, ý chí tự học: cần lấy tự học làm cốt, làm phương thức chủ yếu để nâng cao trình độ mọi mặt của bản thân: không trông chờ vào việc được cử đi học, học phải theo trường, lớp, khi nào có tiền mới học, khi nào có thời gian mới học…

- Quan niệm của bản thân về từ “học” rất phải rộng hơn. Mọi điều mà bản thân muốn cải thiện đều có thể trở thành một môn học để tìm hiểu, luyện tập. Trong thực tế cuộc sống, chúng ta luôn cần học cách để hiểu bản thân, biết kiềm chế cảm xúc, học cách sống, kỹ năng sống còn trong thực tế, hay những mẹo vặt đơn giản, hay trong thời đại công nghệ ngày nay, chỉ đơn giản là cách dùng mạng xã hội cho an toàn,... Như vậy, chìa khóa để bù đắp cho sự thiếu sót của giáo dục trong nhà trường, đó là tự học. Tự học sẽ hiệu quả hơn vì người học cảm thấy tự do, và được thỏa mãn nhu cầu được hiểu biết của mình một cách chủ động.

Tự học là phương pháp phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của bất cứ ai: Là một người trưởng thành, giữa bộn bề công việc cơ quan và gia đình

Cần tự học còn vì để xây dựng tấm gương cho con cái noi theo.

Về phương pháp và cách thức thực hiện Tự học như thế nào: để việc tự học đạt được hiệu quả như mong muốn, chúng ta cũng cần học bác những bài học sau:

+ Phải xác định cho mình mục đích tự học rõ ràng, học cái gì, học để làm gì.

+ Phải xây dựng kế hoạch cụ thể, chặt chẽ, khoa học: để tự học có hiệu quả, mỗi chúng ta không thể không bắt đầu bằng việc lập kế hoạch. Kế hoạch phải cụ thể, chặt chẽ, khoa học và có tính khả thi. Học lập kế hoạch và kiên định thực hiện kế hoạch

+ Trong quá trình tự học cần học tập ở bác ý chí và quyết tâm bền bỉ, dẻo dai; nỗ lực hết sức với hết khả năng của mình  và không từ bỏ trước mọi trở ngại. Dù bạn thất bại hay thế nào đi chăng nữa cũng không bao giờ cho phép mình từ bỏ

- Tinh thần sáng tạo: sáng tạo là ngày hôm nay phải tốt hơn hôm qua. Trong quá trình học phải suy nghĩ cải tiến phương pháp làm việc, sáng tạo, chống tránh qua loa, đại khái, lười suy nghĩ, dẫn đến chất lượng công việc thấp; tích lũy kinh nghiệm, ghi chép những chi tiết cần thiết, biết chọn lọc những kiến thức phù hợp để phục vụ trong công việc và cuộc sống.

- Cần tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để học: rảnh lúc nào là học lúc đó, đi tới đâu học tới đó

          Tóm lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về tinh thần tự học, lấy tự học làm cốt, làm phương thức chủ yếu để nâng cao trình độ mọi mặt của bản thân. Tự học ở Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một triết lý nhân văn sâu sắc với một kế hoạch cụ thể, chặt chẽ, khoa học; với một ý chí và quyết tâm bền bỉ, dẻo dai, tinh thần sáng tạo, tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để học. Tấm gương sáng của Người là nguồn cổ vũ, nguồn cảm hứng vô tận cho mỗi người Việt Nam xây dựng xã hội học tập hiện nay.

Mai Luyến

Admin

Bản quyền thuộc về Công đoàn tỉnh Bình Phước

 Địa chỉ: Quốc lộ 14 - Phường Tân Phú - Thành phố Đồng Xoài - tỉnh Bình Phước

 Điện thoại: 02713879941  Fax: 02713881185

 Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Văn Sang - Trưởng Ban Biên tập - Phó Chủ tịch Công đoàn tỉnh Bình Phước

Thiết kế bởi VNPT Bình Phước | Quản trị