image banner
Ai là đối tượng nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 116/NQ-CP
Lượt xem: 778

         Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Từ ngày 01/10/2021, Bảo hiểm xã hội (BHXH) đã bắt đầu thực hiện chi trả hỗ trợ nhưng một số người lao động vẫn chưa nắm được mình có thuộc đối tượng được nhận hỗ trợ hay không.

         Bài viết này xin được giải đáp một số thắc mắc của người lao động (NLĐ) về đối tượng nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 116/NQ-CP.

         1. Người lao động đang làm việc và tham gia BHTN

         Theo Nghị quyết, nếu NLĐ đang tham gia BHTN tại thời điểm ngày 30 tháng 9 năm 2021 sẽ được nhận hỗ trợ, trừ NLĐ đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên. Trường hợp này bao gồm cả NLĐ đang thực hiện “3 tại chỗ”.

Ảnh minh họa: NLĐ Công ty TNHH New Apparel Far Eastern Việt Nam thực hiện "3 tại chỗ"

         2. Người lao động chấm dứt hợp đồng lao động

         Điều này cũng được quy định khá rõ trong Nghị quyết: nếu NLĐ chấm dứt hợp đồng từ ngày 01/01/2020 đến hết 30/9/2021 mà còn thời gian bảo lưu đóng BHTN thì sẽ được nhận hỗ trợ.

         NLĐ đã từng nhận trợ cấp thất nghiệp nhưng vẫn còn thời gian đóng BHTN được bảo lưu trong một số trường hợp như:

         - Có những tháng lẻ chưa giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp (có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 36 tháng thì những tháng lẻ chưa giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp được bảo lưu)

         - NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp...

         Ngoài ra, Công văn 3068/BHXH-CSXH ngày 01/10/2021 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc triển khai thực hiện Quyết định 28/2021/QĐ-TTg có quy định trường hợp NLĐ đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng đến ngày 30/9/2021 chưa có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp thì tổng thời gian đóng BHTN chưa hưởng để xác định mức hỗ trợ là tổng thời gian đóng BHTN chưa hưởng tại thời điểm ngày 30/9/2021.

Ảnh minh họa: NLĐ làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp

         3. Người lao động ngừng việc do dịch bệnh

         Theo hướng dẫn tại Công văn 264/QHLĐTL-TL thì khi ngừng việc do dịch bệnh, NLĐ vẫn được hưởng lương theo thỏa thuận và đảm bảo trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lượng tối thiểu vùng. Do vậy, nếu trong tháng phải ngừng việc do dịch bệnh, NLĐ vẫn được hưởng lương thì NLĐ vẫn được tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Kéo theo đó, những NLĐ này sẽ được nhận hỗ trợ.

         4. Người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động

         Trước ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp đã thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng với NLĐ. Khoản 2 Điều 30 Bộ luật Lao động như sau: “Trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động không được hưởng lương và quyền, lợi ích đã giao kết trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.”

         Do vậy, trong thời gian tạm hoãn hợp đồng, nếu doanh nghiệp thỏa thuận vẫn trả lương cho NLĐ thì NLĐ vẫn được tham gia BHTN và sẽ được nhận hỗ trợ; nếu doanh nghiệp không thỏa thuận trả lương thì NLĐ sẽ không tham gia đóng BHTN và sẽ không nhận được hỗ trợ.

         5. Người lao động nghỉ thai sản, nghỉ ốm dài ngày

         Theo quy định thì NLĐ nghỉ thai sản và nghỉ ốm từ 14 ngày trở lên trong tháng thì không phải đóng BHTN. Như vậỵ nếu tại thời điểm ngày 30/9/2021, nếu NLĐ chỉ nghỉ dưới 14 ngày trong tháng thì vẫn đóng BHTN và sẽ được nhận hỗ trợ.

           Hà Sơn

Admin

Bản quyền thuộc về Công đoàn tỉnh Bình Phước

 Địa chỉ: Quốc lộ 14 - Phường Tân Phú - Thành phố Đồng Xoài - tỉnh Bình Phước

 Điện thoại: 02713879941  Fax: 02713881185

 Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Văn Sang - Trưởng Ban Biên tập - Phó Chủ tịch Công đoàn tỉnh Bình Phước

Thiết kế bởi VNPT Bình Phước | Quản trị