Bác bỏ những luận điệu xuyên tạc đòi phủ nhận vai trò của giai cấp công nhân
Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam đều có những luận chứng hết sức thuyết phục về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, đó là xóa bỏ mọi sự áp bức, bóc lột, bất công, nghèo nàn, lạc hậu trên phạm vi toàn thế giới.
Trải qua quá trình hoạt động, giai cấp công nhân Việt Nam là giai cấp có tinh thần cách mạng triệt để và là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiên phong của mình là Đảng Cộng sản. Giai cấp công nhân cũng là một lực lượng xã hội to lớn, ngày càng đa dạng về cơ cấu ngành, nghề, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và gắn với nền công nghiệp hiện đại.
Giai cấp công nhân Việt Nam đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, là lực lượng nòng cốt trong liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động đã và đang sử dụng một số luận điệu xuyên tạc bản chất, phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và vai trò của tổ chức công đoàn Việt Nam.
Vẫn là những chiêu trò cũ nhưng được sử dụng lại, đặc biệt là trước, trong và sau Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhằm tác động vào tư tưởng, tâm lý, tình cảm của giai cấp công nhân Việt Nam.
Đầu tiên là những xuyên tạc, bóp méo vào hệ tư tưởng. Các thế lực phản động, cơ hội, thế lực thù địch thường xuyên có các chiêu trò xuyên tạc, phủ nhận Chủ nghĩa Mác - Lênin.
Trong đó, chúng rêu rao rằng, Chủ nghĩa Mác – Lênin là đúng đắn nhưng chỉ trong điều kiện Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất (thời kỳ hưng thịnh của động cơ hơi nước) gắn với nền sản xuất dựa trên máy móc cơ khí ở thế kỷ thứ XIX; hiện nay, nhân loại đã chuyển mình sang Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kỷ nguyên của kinh tế tri thức, kinh tế số, toàn cầu hóa, tin học hóa, dữ liệu lớn (big data)… nên Chủ nghĩa Mác – Lênin không còn phù hợp nữa.
Chúng cũng đưa ra những luận điệu hết sức lạc lõng rằng, giai cấp công nhân chỉ là những người có học vấn hạn chế nên chỉ có thể lật đổ chế độ cũ, chứ không thể xây dựng được một xã hội mới tốt đẹp, nhất là trong thời đại khoa học phát triển hiện nay.
Mặt khác, trong nền sản xuất hiện đại, việc đưa robot (người máy) vào sản xuất ngày càng nhiều, với dây chuyền tự động hóa, việc tuyển dụng và sử dụng người công nhân ngày càng ít đi, cho nên học thuyết về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân không còn phù hợp nữa.
Tất nhiên, đây chỉ là những luận điệu, quan điểm không có cơ sở khoa học, thiếu căn cứ thực tiễn về vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, cần phải kiên quyết đấu tranh bác bỏ.
Thực tế quá trình cách mạng đã khẳng định, giai cấp công nhân chính là sản phẩm của nền đại công nghiệp và không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, họ tự ý thức được vị trí, vai trò của mình trong tiến trình phát triển của lịch sử xã hội loài người.
Mặc dù chủ nghĩa tư bản đã và đang có sự điều chỉnh thích nghi do sự đấu tranh quyết liệt của chủ nghĩa xã hội, của giai cấp công nhân và quần chúng nhân dân lao động, song bản chất bóc lột của chế độ tư bản không hề thay đổi, mà nó ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn.
Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay đều được đề cập tới trong các Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, XI, XII, XIII.
Đặc biệt là trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá X đã khái quát: “Giai cấp công nhân nước ta có sứ mệnh lịch sử to lớn: Là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng”.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá X khẳng định: “Sự lớn mạnh của giai cấp công nhân là một điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công của công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.
Trong bài viết: “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” nhân dịp 94 năm kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Thực tiễn phong phú và sinh động của cách mạng Việt Nam từ ngày có Đảng đến nay đã chứng tỏ, sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng, lập nên nhiều kỳ tích trên đất nước Việt Nam.
Điều 4, Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
Như vậy, có thể thấy, vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam là không thể phủ nhận. Giai cấp công nhân nước ta có sứ mệnh lịch sử to lớn như Đảng ta đã khẳng định: “Trong thời kỳ đổi mới, giai cấp công nhân nước ta có sứ mệnh lịch sử to lớn; là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng”.
Nhận diện những âm mưu chống phá tổ chức Công đoàn
Không chỉ xuyên tạc, phủ nhận vai trò của giai cấp công nhân, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị cũng ra sức đưa ra những thông tin méo mó, xuyên tạc về hình ảnh Công đoàn.
Những phương thức hoạt động, những chiêu trò chống phá ngày càng tinh vi, lợi dụng triệt để mạng internet, mạng xã hội để thông tin xuyên tạc, sai sự thật, xấu độc… tác động không tốt đến tư tưởng, tình cảm của một bộ phận Nhân dân, trong đó có cả cán bộ, đảng viên.
Về vai trò của tổ chức Công đoàn, các thế lực phản động xuyên tạc trắng trợn rằng, Công đoàn hiện nay không còn phát huy vai trò là tổ chức bảo vệ quyền lợi cho người lao động; hoạt động của tổ chức Công đoàn ở các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ mang tính hình thức, không dám đấu tranh với lãnh đạo doanh nghiệp, với ông chủ; họ cũng chỉ là người làm thuê và chịu sự quản lý của người sử dụng lao động và thậm chí, có thể bị sa thải nếu làm trái ý chủ doanh nghiệp (?!)...
Những luận điệu sai trái và xuyên tạc được chúng gieo rắc như: Công đoàn Việt Nam chỉ là bù nhìn; tổ chức Công đoàn Việt Nam không phải là để đại diện quyền lợi công nhân, mà là để theo dõi công nhân rồi đàn áp họ…
Đồng thời kích động, lôi kéo tham gia vào các hoạt động trái pháp luật và các cuộc tranh cãi, bày tỏ ý kiến, chia sẻ vụ việc, vấn đề cá nhân lên không gian mạng.
Đặc biệt, trong dịp Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, triệt để lợi dụng chủ trương lấy ý kiến xây dựng dự thảo văn kiện Đại hội, chúng tấn công vào các vấn đề liên quan đến tài chính công đoàn; công khai, dân chủ trong hoạt động công đoàn…
Những hoạt động của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị gây chia rẽ, phân hóa giai cấp công nhân. Các thế lực thù địch cũng tiến hành nhiều phương thức tiếp cận để lôi kéo, liên kết, hợp tác để từng bước chuyển hóa, sử dụng thế lực phản động ngoài nước câu kết với nhóm phản động và những kẻ cơ hội trong nước để chống phá.
Sự thật là, qua quá trình hoạt động với bề dày truyền thống 95 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Công đoàn Việt Nam đã và đang phát huy vai trò, sứ mệnh của mình, là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động. Thực tế đã chứng minh, không có tổ chức nào ngoài Công đoàn xứng đáng là đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động.
Vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam được hiến định trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và được cụ thể hóa trong Luật Công đoàn Việt Nam.
Điều 10, Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam - đã khẳng định: Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình, quy mô của Công đoàn Việt Nam ngày càng được mở rộng, chất lượng nhiều mặt công tác được nâng lên, đã chủ động, linh hoạt trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện, xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hiệu quả, có sức lan tỏa, được đoàn viên, người lao động, cấp ủy, chính quyền và người sử dụng lao động ghi nhận… đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển và đổi mới đất nước.
Gần nhất, trong nhiệm kỳ vừa qua (2018-2023), như Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam đã khẳng định: “Các cấp Công đoàn đã chủ động, tích cực đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và hoạt động công đoàn; phát hiện, đề xuất nhiều kiến nghị, góp ý xây dựng luật để chăm lo, bảo vệ tốt hơn quyền lợi cho người lao động. Vai trò của Công đoàn trong việc tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp tiếp tục được khẳng định…”.
Thông qua nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, tổ chức Công đoàn giúp cho công nhân hiểu biết về hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm; nêu cao tinh thần trách nhiệm trong sản xuất và công tác; thi đua giỏi việc nước, đảm việc nhà, lao động sáng tạo; đồng thời, tuyên truyền trong công nhân, viên chức, người lao động về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của công nhân, viên chức, người lao động để kịp thời phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước nghiên cứu, giải quyết;
Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về lao động, về tổ chức Công đoàn trong công nhân, viên chức, người lao động và người sử dụng lao động thuộc các thành phần kinh tế, nhất là ở khu vực kinh tế ngoài nhà nước và có vốn đầu tư nước ngoài…
Do đó, những luận điệu xuyên tạc trên của các thế lực thù địch là hòng che đậy bản chất bóc lột của giai cấp tư sản hoặc tìm cách xóa nhòa ranh giới giữa giai cấp công nhân với giai cấp tư sản, thủ tiêu đấu tranh giai cấp, hoàn toàn không có cơ sở khoa học và thực tiễn.