Hội thảo đề xuất chính sách thúc đẩy bình đẳng giới và bảo đảm quyền cho lao động nữ
Ngày 17/5, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội thảo đề xuất chính sách thúc đẩy bình đẳng giới và bảo đảm quyền cho lao động nữ trong dự thảo Luật Công đoàn dưới sự chủ trì của đồng chí Thái Thu Xương - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đồng chí Đỗ Hồng Vân - Ủy viên ĐCT, Trưởng Ban Nữ công Tổng Liên đoàn.
Hội thảo được tổ chức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, 60 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương.
Theo lãnh đạo Ban Nữ công Tổng Liên đoàn, thúc đẩy bình đẳng giới và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ là một trong những nhiệm vụ của tổ chức công đoàn thông qua các hoạt động nữ công công đoàn. Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam đã nhận định “Công tác nữ công tiếp tục được quan tâm, có chuyển biến quan trọng trên các lĩnh vực về lao động nữ, bình đẳng giới, dân số, gia đình, trẻ em. Việc đề xuất, kiến nghị và kiểm tra việc thực hiện chính sách lao động nữ; cải thiện điều kiện chăm sóc, nuôi dạy và học tập của con công nhân, viên chức, lao động; việc thành lập, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của ban nữ công quần chúng được đẩy mạnh”. Nhận thức được tầm quan trọng của lao động nữ trong lực lượng lao động, trong những năm qua, tổ chức Công đoàn đã không ngừng nỗ lực trong công tác đại diện, chăm lo, bảo vệ đối với lao động nữ và trẻ em, thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nhiều hoạt động như thực hiện đối thoại tại nơi làm việc, xây dựng, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với lao động nữ, xây dựng các tài liệu tuyên truyền về bình đẳng giới, thúc đẩy lồng ghép giới trong hoạch định và thực thi chính sách…
Khi Luật Công đoàn năm 2012 được ban hành có hiệu lực, Ban Nữ công TLĐ đã tham mưu cho Ban Chấp hành TLĐ triển khai Luật Công đoàn cụ thể hóa trong Hướng dẫn hàng năm công tác nữ công của Tổng Liên đoàn và được các cấp công đoàn nghiêm túc triển khai trong toàn hệ thống; triển khai tuyên truyền các chính sách pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích của lao động nữ như: Chế độ thai sản, chăm con ốm, đảm bảo bình đẳng giới, đảm bảo điều kiện làm việc, phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc... Bên cạnh đó Ban Nữ công đã chủ động tham mưu phối hợp với các bộ, ngành trong tuyên truyền, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với lao động nữ và con CNVCLĐ.
Quang cảnh Hội thảo.
Cũng theo lãnh đạo Ban Nữ công TLĐ, việc xác định lồng ghép vấn đề bình đẳng giới nhằm đảm bảo và thúc đẩy bình đẳng giới trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) là cần thiết vì các lý do: Cần giải quyết những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành Luật Công đoàn liên quan đến bảo đảm và thúc đẩy bình đẳng giới trong lao động và hoạt động công đoàn (nếu có); Cần thể chế hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật liên quan đến thúc đẩy bình đẳng giới trong hoạt động công đoàn; Tiếp tục nội luật hóa các tiêu chuẩn lao động quốc tế phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam để thực hiện tốt hơn mục tiêu bình đẳng giới trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Trong quá trình tham gia xây dựng Dự thảo Luật Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chủ trì tổ chức một số hội thảo và tham gia nhiều hội thảo, nhiều ý kiến đã được Ban soạn thảo tiếp thu. Tuy nhiên, trong quá trình tham gia và nghiên cứu dự thảo Luật Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng nhận thấy một số quy định trong dự thảo Luật còn chưa rõ và cần điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tiễn thực hiện bình đẳng giới và đảm bảo cho lao động nữ thực hiện quyền lợi của mình. Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu bảo đảm và thúc đẩy bình đẳng giới trong hoạt động công đoàn, đáp ứng yêu cầu thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về bình đẳng giới, không phân biệt đối xử về giới trong mọi lĩnh vực; đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế với cam kết thúc đẩy và thực hiện các nguyên tắc và quyền bình đẳng của người lao động tại nơi làm việc. Vì vậy, Đoàn Chủ tịch TLĐ đã giao cho Ban Nữ công TLĐ chủ trì tổ chức hội thảo để xin ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các cán bộ công đoàn và người lao động vào dự thảo Luật Công đoàn tiếp cận dưới góc độ quyền của lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới. Mục đích là thông qua Hội thảo, tổng hợp và đề xuất các chính sách thúc đẩy bình đẳng giới và đảm bảo quyền lợi cho lao động nữ được quy định trong Luật Công đoàn, giúp người lao động ổn định đời sống, việc làm và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn trong việc đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng đối với lao động nữ trong quá trình Công đoàn tham gia với Đảng, Nhà nước xây dựng chính sách, pháp luật cho người lao động nói chung, lao động nữ nói riêng.
"Thông qua Hội thảo này, chúng tôi mong muốn các ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ tập trung vào các nội dung liên quan trực tiếp đến việc thúc đẩy bình đẳng giới và đảm bảo quyền của lao động nữ như: đánh giá tình hình thực hiện chính sách đối với lao động nữ, đảm bảo bình đẳng giới được quy định trong Luật Công đoàn hiện nay; việc thực hiện lồng ghép giới trong dự thảo Luật Công đoàn; các quy định liên quan đến lao động nữ trong dự thảo Luật Công đoàn; đề xuất bổ sung các quy định liên quan đến quyền của lao động nữ trong dự thảo Luật Công đoàn. Chúng tôi mong rằng sẽ thu được những ý kiến chất lượng, đảm bảo tính thiết thực, trọng tâm, trọng điểm, là cơ sở để Tổng Liên đoàn đề xuất với Quốc hội ban hành các chính sách phù hợp đối với lao động nữ trong thời gian tới." - Đồng chí Trần Thu Phương - Phó trưởng Ban Nữ công TLĐ chia sẻ.
Theo Chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, dự án Luật Công đoàn sẽ được Quốc hội cho ý kiến và thông qua vào kỳ họp thứ 8 cuối năm năm 2024, trong đó có nhiều nội dung liên quan trực tiếp tới quyền và lợi ích của người lao động, trong đó có lao động nữ. Báo cáo tổng kết thi hành Luật Công đoàn 2012 đã đánh giá những kết quả đạt được và chỉ ra một số hạn chế, bất cập. Về cơ bản Luật Công đoàn 2012 đã thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước về bình đẳng giới nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động nói chung, trong đó có lao động nữ. Những quy định đó đã góp phần quan trọng trong việc bảo đảm và thúc đẩy bình đẳng giới và thực hiện quyền của lao động nữ trên thực tế.