Một số điểm mới đáng chú ý trong Luật bảo hiểm y tế sửa đổi năm 2024
Luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Bảo hiểm y tế (BHYT) được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2024 và sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2025, mang đến nhiều thay đổi quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả và mở rộng phạm vi bảo vệ của hệ thống BHYT tại Việt Nam, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đời sống và nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh cho người dân và người tham gia BHYT. Dưới đây là một số điểm mới quan trọng người lao động cần chú ý.
Mở rộng đối tượng tham gia BHYT bắt buộc
Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT 2024 bổ sung thêm một số đối tương tham gia BHYT bắt buộc do ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ đóng gồm:
Người từ đủ 75 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng (1);Người từ đủ 70 đến dưới 75 tuổi thuộc hộ cận nghèo đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng (2); Nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản (3); Người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (4); Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình (5).
Mục đích của quy định mới này là nhằm mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách BHYT, đặc biệt là người già và người có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, còn nhằm động viên, khích lệ và có chính sách thỏa đáng với đối tượng chăm sóc sức khỏe nhân dân ở vùng sâu, vùng xa và những người trực tiếp bảo vệ an ninh, trật tự.
Xóa bỏ địa giới hành chính theo tỉnh trong khám chữa bệnh BHYT (ảnh minh họa)
Quy định về đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển tuyến
Căn cứ quy định tại Điều 26, Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT 2024, người tham gia BHYT có thể đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại bất kỳ cơ sở y tế nào thuộc hệ thống BHYT trên toàn quốc, không bị giới hạn bởi địa giới hành chính. Điều này khác biệt so với quy định trước đây, khi người tham gia BHYT thường chỉ được đăng ký tại cơ sở y tế thuộc tuyến địa phương nơi cư trú hoặc nơi làm việc.
Bên cạnh đó, người tham gia BHYT được phép thay đổi cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu mỗi quý (nếu có nhu cầu), hạn thay đổi là trong 15 ngày đầu của mỗi Quý.
Đặc biệt, đối với việc chuyển tuyến, Luật sửa đổi mở rộng quyền được khám chữa bệnh nội trú tại các cơ sở khám chữa bệnh BHYT cấp cơ bản trên toàn quốc mà không cần giấy chuyển tuyến. Trước đây, người bệnh bắt buộc phải có giấy chuyển tuyến hợp lệ để đảm bảo quyền lợi BHYT khi khám chữa bệnh tại cơ sở không thuộc tuyến đăng ký ban đầu, gây nhiều bất tiện và hạn chế.
Thay đổi quyền lợi và mức hưởng BHYT
Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT 2024 mở rộng một số trường hợp người tham gia BHYT được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh, gồm các trường hợp sau:
- Hưởng 100% khi khám chữa bệnh tại cơ sở đăng ký khám chữa bệnh ban đầu trong toàn quốc.
- Hưởng 100% khi khám chữa bệnh nội trú tại các cơ sở khám chữa bệnh BHYT cấp cơ bản trong toàn quốc.
- Hưởng 100% phí khám chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám chữa bệnh BHYT cấp cơ bản, cấp chuyên sâu mà trước ngày 01/01/2025 đã được xác định là tuyến huyện.
- Người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ nghèo đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người đang sinh sống tại xã đảo sẽ được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh nội trú tại các cơ sở khám chữa bệnh chuyên sâu.
- Người mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao sẽ được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh theo tỷ lệ phần trăm mức hưởng quy định, cho phép tiếp cận cơ sở khám chữa bệnh chuyên sâu.
Bên cạnh đó, đối tượng hưởng quyền lợi về điều trị lác và tật khúc xạ của mắt có sự thay đổi. Trước đây là dưới 6 tuổi và theo Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT 2024 là từ đủ 18 tuổi trở lên.
Cơ chế thanh toán thuốc, thiết bị y tế linh hoạt
Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT 2024 ban hành quy định kèm Thông tư hướng dẫn cơ chế thanh toán cho thuốc, thiết bị y tế được điều chuyển giữa các cơ sở khám chữa bệnh và chi phí dịch vụ cận lâm sàng được chuyển đến cơ sở khác trong trường hợp thiếu thuốc, thiết bị y tế. Điều này đảm bảo người bệnh được điều trị liên tục và hiệu quả.
Xử lý vi phạm trong đóng BHYT
Căn cứ quy định tại Điều 49, Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT 2024, cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHYT mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ thì tùy theo tính chất vi phạm sẽ bị xử lý như sau:
- Bắt buộc đóng đủ số tiền chậm đóng, trốn đóng.
- Nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền BHYT chậm đóng, trốn đóng và số ngày chậm đóng, trốn đóng vào quỹ BHYT.
- Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
- Không xem xét danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.
Nhìn chung, Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi, bổ sung năm 2024 đã mang đến những thay đổi quan trọng và thiết thực, phản ánh sự nỗ lực của Nhà nước trong việc hoàn thiện hệ thống bảo hiểm y tế, hướng tới mục tiêu bao phủ toàn dân. Các quy định mới không chỉ mở rộng phạm vi bảo vệ, tăng cường quyền lợi cho người tham gia mà còn tạo sự linh hoạt, thuận lợi trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế.