image banner
Đổi mới tư duy trong xây dựng và thi hành pháp luật trong kỷ nguyên mới
Lượt xem: 6

 

Nằm trong khuôn khổ Chương trình Hội nghị toàn quốc trực tiếp kết hợp trực tuyến quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị sáng 18/5, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã trình bày chuyên đề "Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW".

Đảng ủy LĐLĐ tỉnh đã tổ chức cho cán bộ, đảng viên học tập trực tuyến tại 30 điểm cầu theo Thông báo triệu tập số 10-TB/ĐU ngày 15/5/2025 của Đảng ủy các cơ quan đảng tỉnh.

anh tin bai

Cán bộ, đảng viên tham gia Hội nghị

Đánh giá về hiệu quả công tác xây dựng và thi hành pháp luật thời gian qua, Nghị quyết số 66-NQ/TW khẳng định: Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đổi mới và đạt được nhiều kết quả quan trọng, tư duy, nhận thức lý luận về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa không ngừng được hoàn thiện, hệ thống pháp luật của nước ta tương đối đồng bộ, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, cơ bản điều chỉnh hầu hết các lĩnh vực đời sống xã hội, tạo nền tảng pháp lý để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. 

Mặc dù vậy, công tác xây dựng và thi hành pháp luật còn nhiều hạn chế, bất cập; một số chủ trương, định hướng của Đảng chưa được thể chế hóa kịp thời, đầy đủ; tư duy xây dựng pháp luật trong một số lĩnh vực còn thiên về quản lý; chất lượng pháp luật chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn, còn có những quy định chồng chéo, mâu thuẫn, chưa rõ ràng, cản trở việc thực thi, không thuận lợi cho việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút và khơi thông nguồn lực đầu tư; việc phân cấp, phân quyền chưa đủ mạnh; thủ tục hành chính còn rườm rà…

Công tác xây dựng và thi hành pháp luật cần phải được đổi mới căn bản, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, nhất là trong bối cảnh thế giới đang có những thay đổi mang tính thời đại, để đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển bứt phá, giàu mạnh, hùng cường dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, phấn đấu tăng trưởng kinh tế "hai con số"

Nghị quyết số 66-NQ/TW được ban hành sẽ bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành pháp luật; tăng cường kiểm soát quyền lực; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ; phòng ngừa, ngăn chặn mọi biểu hiện trục lợi, hướng lái chính sách; phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự tham gia rộng rãi, thực chất của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong xây dựng và thi hành pháp luật.

Nghị quyết số 66-NQ/TW đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi, với cơ chế tổ chức thực hiện nghiêm minh, nhất quán, bảo đảm cơ sở pháp lý cho hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của các cơ quan sau sắp xếp tổ chức bộ máy, tháo gỡ vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, mở đường cho kiến tạo phát triển, huy động mọi người dân và doanh nghiệp tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội để đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Năm 2025, cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những "điểm nghẽn" do quy định pháp luật. Năm 2027, hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản pháp luật bảo đảm cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của bộ máy nhà nước theo mô hình chính quyền 3 cấp. Năm 2028, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, góp phần đưa môi trường đầu tư của Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN.

Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam có hệ thống pháp luật chất lượng cao, hiện đại, tiệm cận chuẩn mực, thông lệ quốc tế tiên tiến và phù hợp với thực tiễn đất nước, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội; quản trị quốc gia hiện đại với bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.

Nghị quyết 66-NQ/TW đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp lớn, trong đó bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật, phát huy cao độ tính Đảng trong xây dựng và thi hành pháp luật. Đổi mới tư duy, định hướng xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực phát triển. Tạo đột phá trong công tác thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực và hiệu quả; gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật. Nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế, pháp luật quốc tế. Xây dựng giải pháp đột phá nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật. Tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Thực hiện cơ chế tài chính đặc biệt cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật.

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Xây dựng pháp luật phải bám sát thực tiễn, tiếp thu có chọn lọc giá trị tinh hoa của nhân loại, bảo đảm tính hệ thống, nắm bắt mọi cơ hội, mở đường, khơi thông mọi nguồn lực; đưa thể chế, pháp luật trở thành lợi thế cạnh tranh, nền tảng vững chắc, động lực mạnh mẽ cho phát triển, tạo dư địa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hai con số, nâng cao đời sống của Nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước.

                                                                          

Bùi Văn Sơn
Công đoàn tỉnh Bình Phước

Bản quyền thuộc về Công đoàn tỉnh Bình Phước

 Địa chỉ: Quốc lộ 14 - Phường Tân Phú - Thành phố Đồng Xoài - tỉnh Bình Phước

 Điện thoại: 02713879941  Fax: 02713881185

 Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Văn Sang - Trưởng Ban Biên tập - Phó Chủ tịch Công đoàn tỉnh Bình Phước

Thiết kế bởi VNPT Bình Phước | Quản trị