image banner
An toàn, vệ sinh lao động – Trách nhiệm không của riêng ai
Lượt xem: 389

Điều 2 của Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 quy định đối tượng áp dụng Luật bao gồm: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; người thử việc; người học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động, cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động, người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng; người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam (gọi chung là người lao động); người sử dụng lao động; cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ)

Thực tế cho thấy, Đảng và Nhà nước đã và đang rất quan tâm đến vấn đề ATVSLĐ. Nhiều Chỉ thị, Nghị quyết, chủ trương, chính sách pháp luật đi vào cuộc sống, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người lao động, thay đổi tư duy tích cực về vấn đề này của cả xã hội. Từ đó, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được kiểm soát, các chính sách về an toàn, vệ sinh lao động được thực hiện, công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ  ngày càng đi vào nề nếp, có chiều sâu. Mặc dù vậy, thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động, sự cố mất an toàn lao động tại nhiều dự án, công trình, doanh nghiệp. Điển hình như: vụ tai nạn xảy ra ngày 25/5/2020 tại dự án Thủy điện Plei Kần, xã Dak Ang, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum làm 6 công nhân của Công ty cổ phần Tấn Phát thương vong (3 người chết, 3 người bị thương); vụ tai nạn lao động xảy ra ngày 10/6/2020 tại nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu Kiều Thi, thuộc Công ty TNHH MTV Kiều Thi Junma, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc làm 23 người thương vong (3 người chết, 20 người bị thương); đặc biệt nghiêm trọng là vụ tai nạn lao động xảy ra ngày 14/5/2020 tại công trình xây dựng nhà máy Công ty cổ phần AV Healthcare – khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, làm 24 công nhân của Công ty TNHH Hà Hải Nga thương vong (10 người chết, 14 người bị thương). Tại Bình Phước, ngày 06/7/2020, tại Công ty TNHH Long Fa 2 (Việt Nam) đã xảy ra tai nạn lao động, làm tử vong 1 người; ngày 4/7/2020, tại công ty TNHH Leoch Super Power thuộc KCN Becamex – Bình Phước, anh Võ Văn Khuôn, làm việc tại bộ phận Bảng Đúc Công ty, bị tai nạn lao động nặng (mất bàn tay trái)…

Nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động là do người sử dụng lao động và người lao động chủ quan, thiếu quan quan đến công tác ATVSLĐ và rèn luyện kỹ năng làm việc an toàn; công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh lao động  có nơi, có chỗ còn chưa chặt chẽ.

Từ những cảnh báo đưa ra, các cơ quan, đơn vị chức năng  đã khuyến cáo bằng các biện pháp phòng, chống các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại cho người lao động được đưa ra như: tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện về ATVSLĐ; xây dựng nội quy, quy trình để đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc; thực hiện các chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động; quản lý máy móc, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ…

Đẩy mạnh công tác ATVSLĐ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013, làm cơ sở để các cấp, ngành, địa phương cụ thể hóa nhiệm vụ của mình. Chấn chỉnh công tác ATVSLĐ, đảm bảo quyền được làm việc an toàn của người lao động, đảm bảo sự phát triển ổn định của doanh nghiệp, xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có văn bản gửi các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc, đề nghị tập trung nguồn lực cho công tác quản lý ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động nhằm chăm lo bảo vệ sức khỏe, tính mạng của NLĐ và người dân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người sử dụng lao động  và người lao động; tăng cường công tác thanh, kiểm tra về ATVSLĐ, công khai và xử lý vi phạm; quản lý chặt chẽ thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác ATVSLĐ…

Ngày 4/8/2020, UBND tỉnh Bình Phước đã có văn bản 2651/UBND-KGVX về việc tăng cường quản lý, chấn chỉnh, công tác ATVSLĐ, giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực, giúp UBND tỉnh triển khai, đôn đốc, kiểm tra và phối hợp các ngành liên quan, các địa phương thực hiện các giải pháp phù hợp, hiệu quả, đảm bảo công tác ATVSLĐ.

Thực hiện Kế hoạch 73/KH-TLĐ ngày 19/9/2019 về việc triển khai các nhiệm vụ công đoàn tham gia cải thiện điều kiện và môi trường làm việc, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2019 – 2023 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, vào 02 ngày 16/8 - 17/8/2020 Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Phước phối hợp Ban Quan hệ Lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức tập huấn “Nâng cao nhận thức về Bảo vệ môi trường, ATVSLĐ cho cán bộ công đoàn trong các doanh nghiệp năm 2020”.

                                                                    Bùi Văn Sơn

Admin

Bản quyền thuộc về Công đoàn tỉnh Bình Phước

 Địa chỉ: Quốc lộ 14 - Phường Tân Phú - Thành phố Đồng Xoài - tỉnh Bình Phước

 Điện thoại: 02713879941  Fax: 02713881185

 Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Văn Sang - Trưởng Ban Biên tập - Phó Chủ tịch Công đoàn tỉnh Bình Phước

Thiết kế bởi VNPT Bình Phước | Quản trị