Nông trường cao su Tân Hưng, thuộc Công ty Cổ phần cao su Đồng Phú (Bình Phước) là đơn vị duy nhất trong tỉnh có lao động trực tiếp là dân tộc ít người chiếm số đông (tỷ lệ 83%). Trong đó nhiều nhất là người dân tộc Khơ Mú, đến dân tộc Mông... Những năm qua, lực lượng công nhân lao động trẻ dân tộc ít người đã, đang chung sức xây dựng Nông trường cao su Tân Hưng ngày càng khởi sắc, phồn vinh…
Luôn quan tâm công tác chăm lo đời sống cho người lao động.
Từ ngày đầu thành lập, lãnh đạo Nông trường cao su Tân Hưng đã thực hiện tốt đồng bộ về các chế độ, chính sách phù hợp, nhằm chăm lo đời sống, tinh thần, vật chất, nơi ăn ở và sức khỏe cho người lao động. Cụ thể, Nông trường đã hình thành 3 khu dân cư với tổng số căn nhà ở là 120 căn. Khu dân cư 1 có 44 căn được xây dựng trên đất nông nghiệp; khu dân cư 2 có 57 căn, được xây dựng trên đất phi nông nghiệp; khu dân cư 3 có 19 căn được xây dựng trên đất nông nghiệp; diện tích mỗi căn rộng 52m2, có nhà vệ sinh riêng cho mỗi căn và được trang bị đầy đủ hệ thống điện (sử dụng điện lưới quốc gia). Nước sinh hoạt được dẫn đến tận mỗi nhà qua hệ thống bể lộc bơm từ giếng khoan. Tại mỗi khu dân cư mỗi căn nhà được sử dụng miễn phí 10m3 nước ban đầu, sau mỗi khối nước tiếp theo tính phí chỉ 4.000 đồng/m3. Nhà ở cho người lao động, mỗi hộ gia đình có 1 phòng riêng... Anh Nguyễn Hữu Long, Trợ lý Tổ chức hành chính Nông trường cao su Tân Hưng cho biết: Từ khu dân cư 1 đến khu dân cư 2 có trên 15 km. Địa bàn nông trường rộng nằm trải trên 2 xã Tân Hưng và Tân Lợi, với tổng diện tích vườn cây 1.355,26 ha. Nông trường có 2 nhà trẻ giữ miễn phí với trên 60 cháu. Các cháu được trang bị màn muỗi, áo quần đồng phục, đều con em công nhân và được chăm sóc bởi 8 cô là lao động tại đơn vị. Thời gian đón trẻ linh hoạt theo đặc thù công việc của người lao động, tạo sự an tâm cho bố mẹ khi đi làm, với suất ăn 25.000 đồng/trẻ/ngày được thay đổi linh hoạt luôn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cho các cháu… Riêng năm 2023, các tổ chức Công đoàn – Đoàn thanh niên luôn có chương trình hoạt động hiệu quả qua các phần việc cụ thể. Như tổ chức Tết Trung thu cho con em công nhân lao động với số tiền 55.425.000 đồng. Tổ chức ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) với số tiền 22.800.000 đồng. Tổ chức ngày Tết thiếu nhi (1/6) với số tiền 7.952.200 đồng. Tổ chức ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10) với số tiền 39.250.000 đồng. Hỗ trợ công nhân lao động khó khăn, ốm đau, hoạn nạn với số tiền 33.000.000 đồng. Tuyên dương cho 40 cháu có thành tích học tập khá giỏi năm học 2022-2023 với tổng số tiền 19.700.000 đồng. Ngoài ra, Nông trường còn có các hoạt động khen thưởng và nhân đạo, như khen thưởng trong sản xuất. Cấp nhà ở nguyên căn cho công nhân có thâm niên làm việc tại đơn vị từ 3-8 năm, hỗ trợ bằng tiền mặt và hiện vật như giường, nệm, chăn gối. Khi người lao động ốm đau, hoạn nạn hay có tang sự xấu, Ban lãnh đạo Nông trường cùng các tổ chức chính trị luôn sát cánh hỗ trợ tối đa…
Những công nhân ưu tú người dân tộc thiểu số
Tôi có dịp tiếp cận đôi vợ chồng trẻ người dân tộc Khơ Mú là Lương Văn Chay, sinh năm 1995 và vợ là Xeo Thị Thoong, sinh năm 1996, đều ở bản Quyết Thắng, xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Vợ chồng anh Chay vào Nông trường cao su Tân Hưng làm việc từ tháng 2/2022. Từ những nổ lực vượt khó và kết quả đạt được, năm 2022 và 2023, hai vợ chồng được công nhận Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Riêng trong năm 2023, công nhân Lương Văn Chay được đề nghị khen thưởng Bằng khen của “Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp”. Chị Xeo Thị Thoong được nhận Bằng khen của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
Tâm sự với phóng viên, vợ chồng chị Thoong cho biết: “Thường thì chúng em (thời khóa biểu) điển hình cho một ngày làm việc, mỗi người cạo từ 500-550 cây (hơn 1 ha). Sáng thức dậy lúc 3-4 giờ để có mặt tại lô cao su. Sau đó cầm dao đi cạo mủ, đến khoảng 7 giờ là xong. Công việc tiếp theo là đi bốc mủ tạp, hay còn gọi là lột mủ chén, rồi vào ăn bữa cơm giữa ca, cơm nông trường nấu và đưa ra tận nhà tổ. Sau đó ngồi tại chỗ thư giãn, khoảng 8-8 giờ 30 xách xô đi trút mủ. Công đoạn trút mủ và giao mủ kéo dài khoảng 1 tiếng là xong. Thường thì 10 giờ hằng ngày là công nhân ở đây xong việc, trở về nhà ăn cơm trưa, chiều đến làm việc nhà và nuôi dạy con cái nếu có. Công nhân là đồng bào dân tộc thiểu số như chúng em thích ứng với công việc mới rất nhanh. Đến đây làm việc, mọi người được Nông trường sắp xếp nơi ăn ở và được đào tạo nghề miễn phí trước khi giao khoán vườn cây khai thác. So với những nghề khác, nghề cạo mủ vất vả hơn, nhưng bù lại thu nhập ổn định ở mức khá. Nếu có bận việc nhà, ốm đau thì có thể nhờ người khác làm thay, sau đó đổi trả công. Vợ chồng em thu nhập lương tháng hơn 10 triệu đồng/người, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm lao động, y tế… đều Công ty lo hết. Đau ốm được trạm y tế Nông trường chăm sóc thuốc men…”.
Chị Thoong cười với ánh mắt tươi vui. Cái áo công nhân chị mặc thoang thoảng hương mủ cao su trong gió. Chị khoe, hai vợ chồng ở khu dân cư 2 của Nông trường được các anh chị cán bộ Công đoàn chăm lo rất tốt. Năm nào vợ chồng em cũng được đơn vị tặng quà và hỗ trợ tiền tàu xe về quê đón tết. Công nhân được nghỉ tết bắt đầu từ ngày 20/12 âm lịch và đến khoảng ngày 10/3 dương lịch thì chúng em vào tiếp tục lao động. Cứ đến ngày cuối năm là không khí xúc động và yêu thương lắm anh ạ. Công đoàn cơ sở Nông trường tổ chức tặng quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Đoàn thanh niên Công ty trao hàng chục suất quà cho Đoàn thanh niên có hoàn cảnh khó khăn trong dịp Tết. Bên cạnh đó, đơn vị tổ chức bữa cơm thân mật cuối năm cho toàn thể 420 cán bộ, công nhân viên trước khi lên xe về quê đón tết Cổ truyền.
Vợ chồng chị Thoong có 2 cháu trai đang ở quê với ông bà nội. Cháu lớn được 6 tuổi, cháu nhỏ được 3 tuổi. Anh Nguyễn Hữu Long, Trợ lý Tổ chức hành chính Nông trường cho biết thêm, vợ chồng anh Chay, chị Thoong còn thường xuyên kèm cặp hướng dẫn những công nhân mới vào tay nghề còn yếu.
Những vòng tay mẹ hiền của cô công nhân giữ trẻ.
Một trong những cô giáo ở nhà trẻ Liên tổ 1 trên địa bàn ấp Pa Pếch, xã Tân Hưng là cô Trần Thị Sen, quê Quảng Bình và cô Trần Thị Lỵ, quê tỉnh Quảng Ninh. Riêng cô giáo Trần Thị Sen vào tỉnh Bình Phước từ năm 2007, lúc đầu làm công nhân cao su sau chuyển qua giữ trẻ. Cô Sen chia sẻ: “Các cháu ở đây đều con em của công nhân Nông trường. Bố mẹ đưa đủ, lớp có hơn 20 cháu, từ 1 tuổi đến 3 tuổi. Đó, như cháu cô Lỵ đang bế, cháu vẫn còn nhớ mẹ nên khóc nhè. Chừng một giờ sau cháu trở lại bình thường và hòa nhập với các bạn cùng chơi trò chơi hay xem phim hoạt hình…”.
Nhìn những đôi mắt ngây thơ đang vịn vào song cửa ra vào, sao thương yêu quá. Cháu nào cũng sạch sẽ, thơm tho. Tôi ngồi xuống, các cháu vây quanh. Có cháu sà vào lòng không xa lạ. Ở vùng sâu, vùng xa gần 33 hộ định canh ở ấp Pa Pếch mà không gian nhà giữ trẻ Nông trường xây dựng một dãy 3 phòng dài. Rộng nhất là phòng để các cháu chơi, ăn, uống sữa và ngủ trưa. Trước khu nhà giữ trẻ là con đường nhựa với những hàng cây xanh tỏa bóng mát mùa hè.
Những công nhân áo trắng neo lại chốn vùng sâu.
Chúng tôi trở lại Trạm y tế Nông trường cao su Tân Hưng. Trời chuyển mây u ám. Lại sắp mưa. Anh Nguyễn Hữu Long kềm xe máy qua mấy khúc đường trơn, quay lại tôi nói. Y sĩ Đinh Thị Nga quê huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình đang trực ở trạm y tế. Thấy tôi vào chị loay hoay đi đốt nhang muỗi. “Trời chuyển mưa nên muỗi nhiều anh ạ. Có nhang muỗi cũng đỡ phần nào. Ngày nay chỉ mình em trực còn Y sĩ Hứa Thị Hà hiện đang bận công việc đột xuất của gia đình”.
Y sĩ Hứa Thị Hà, quê huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng làm việc ở trạm y tế Nông trường từ năm 2014. Y sĩ Đinh Thị Nga vào làm việc ỡ Trạm y tế từ năm 2005, khi Nông trường cao su Tân Hưng vừa thành lập. Nga kể, trước đây vùng này muỗi nhiều vô kể, đặc trưng nhất là căn bệnh sốt rét và sốt xuất huyết. Trạm y tế có 1 phòng trực và 2 phòng bệnh, mỗi phòng đặt 7 giường bệnh nhân, vậy mà có ngày bệnh nhân nằm cứng chỗ, không dư giường nào. Ngày nào cũng có bệnh nhân sốt rét, không công nhân thì cũng bà con trong ấp. Chúng em phải túc trực cả ngày lẫn đêm. Ngày tết, công nhân về quê nhưng em vẫn ở lại để còn lo cho bà ở đây phòng ốm đau bất thường. Bệnh viện tuyến huyện và bệnh viện Quân dân y 16 lại xa hàng chục km. Bây giờ ít muỗi rồi, chỉ có trời chuyển mưa, âm u mới có. Còn trời nắng thì rất ít. Với lại chúng em cũng xịt thuốc muỗi tại trạm xá và khu dân cư, nhà giữ trẻ thường xuyên. Y sĩ Nga thuật lại với chúng tôi, rằng mười mấy năm trước có một bệnh nhân đang làm công trình giao thông tại đây bị sốt rét. Khi các đồng nghiệp chuyển đến trạm y tế thì anh ấy đã sốt nặng. Bước đầu em kiểm tra huyết áp rồi cho uống thuốc hạ sốt, nhưng bệnh nhân không có ý hợp tác, dùng dằng không muốn em sơ cứu chữa trị ban đầu. Em vẫn bình tĩnh thuyết phục, ngặt là mình không đủ thuốc nên em sơ cứu qua rồi chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Tối đó, người công nhân ấy tử vong tại bệnh viện tỉnh, em ân hận mãi. Giá mà anh ấy nghe em điều trị bước đầu thì đâu đến nỗi…
Việc thực hiện chế độ chăm sóc sức khỏe cho các cháu và người lao động, y sỹ Đinh Thị Nga cho biết: Hằng năm nhân viên y tế thường xuyên đến kiểm tra sức khỏe các cháu thuộc 2 nhà trẻ định kỳ 2 lần, với 110 cháu. Năm 2 đợt cho các cháu uống Vitamin A, với 180 cháu, tẩy giun cho 90 cháu/2 đợt. Duy trì kiểm tra vệ sinh môi trường ở các khu nội trú, bếp ăn tập thể. Trong năm giải quyết chế độ nghỉ ốm hưởng bảo hiểm xã hội là 264 ngày/42 công nhân, chế độ thai sản nữ là 13 trường hợp, chế độ thai sản nam là 3 trường hợp. Giải quyết chế độ bảo hiểm 24/24 là 22 người. Trong năm tổng số lượt khám là 650 lượt, chuyển viện tuyến trên là 15 công nhân, tổ chức khám sức khỏe cho cán bộ, công nhân viên là 369 người. Hằng năm tổ chức phun thuốc diệt muỗi 2 đợt tại 3 điểm khu dân cư, giàn tank, chốt bảo vệ, khu vực cơ quan, y tế. Tổ chức phát màn chống muỗi cho người lao động 120 cái. Kết hợp trạm y tế xã Tân Lợi tiêm phòng uốn ván mũi 2 cho phụ nữ độ tuổi sinh đẻ là 145 người.
“Trạm y tế chúng em có dụng cụ y tế khám chữa bệnh ban đầu cơ bản đầy đủ, ngoài ra còn có tủ sấy các loại dụng cụ y tế như để cắt may vết thương, đỡ đẻ, khám phụ khoa, đặt vòng. Thuốc bảo hiểm y tế phục vụ bà con và công nhân lao động như điều trị sốt rét, sốt xuất huyết và các bệnh thường gặp ở người lớn, trẻ em trong tủ thuốc tại trạm y tế đầy đủ. Bệnh nhân nặng hơn thì có xe của Nông trường kịp thời đưa ra bệnh viện Quân dân y 16…”. Y sĩ Đinh Thị Nga chia sẻ thêm.
Một số hình ảnh:
Các công nhân Liên tổ 2, Nông trường cao su Tân Hưng đang phân loại, kiểm tra tạp chất mủ tạp.
Chế độ khám sức khỏe định kỳ cho công nhân lao động tại Nông trường cao su Tân Hưng.
Một trong 3 khu dân cư liền kề cho người lao động ở Nông trường cao su Tân Hưng.