image banner
BÌNH ĐẲNG GIỚI: CẦN THAY ĐỔI TRONG NHẬN THỨC
Lượt xem: 80

 

Ngày nay, ai cũng công nhận phụ nữ tham gia ngày càng nhiều trong các lĩnh vực hoạt động xã hội, vị thế người phụ nữ được nâng lên, có tiếng nói trong xã hội và được xã hội công nhận ngang bằng như nam giới.

Đó chỉ là phần nổi, phần tích cực mà ai cũng có thể nhìn thấy, còn những phụ nữ tham gia công tác xã hội luôn phải bỏ công sức gấp hai, gấp ba so với nam giới để hoàn thành nhiệm vụ. Là người phụ nữ, người mẹ, người vợ của gia đình, trước khi bước chân ra khỏi nhà, họ phải chăm lo chu toàn như dọn dẹp nhà cửa, lo cho con ăn uống, đưa con đến trường, đi chợ, nấu ăn, giặt giũ… Những việc tưởng chừng vặt vãnh, nhỏ bé nhưng chiếm không ít thời gian của các mẹ, các chị.Và các ông chồng đã làm những gì trong bao nhiêu công việc bề bộn ấy, nhiều lắm là đưa đón con, những việc còn lại vô hình trung đó là việc của đàn bà!

Hãy ngẫm mà xem, cả hai vợ chồng cùng đi làm cơ quan nhà nước, tan sở chị vợ vội vàng ra chợ mua thức ăn, nấu nướng, sắp mâm… ăn xong lại rửa chén bát. Còn anh chồng giúp được gì, anh nào có tâm thì phụ vợ nhặt rau, sắp mâm, còn rửa chén bát luôn luôn mặc định đó là việc của đàn bà, đàn ông ai lại mó tay vào những việc ấy! Lối suy nghĩ đó đã ăn sâu hàng bao nhiêu năm trời không chỉ trong tâm trí đàn ông, ngay cả phụ nữ cũng nghĩ thế. Dọn dẹp xong thì đến giờ đi làm buổi chiều, như vậy thời gian nghỉ ngơi của phụ nữ luôn ít hơn đàn ông.

Chúng ta phải làm gì để người phụ nữ có thể hoàn toàn bình đẳng với nam giới? Theo tôi đó là thay đổi nhận thức:

-Thứ Nhất: Ta phải dạy cho trẻ em biết làm việc nhà, mọi thành viên trong gia đình phải chung tay với nhau, con trai cũng có thể rửa chén, cắm hoa, con gái cũng có thể tưới cây cảnh. Bảo ban nhau, giúp đỡ nhau từng công việc để giảm áp lực cho người bà, người mẹ. Chính các ông bố phải làm gương, không nề hà việc lau nhà hay rửa chén để các con nhìn vào đó mà làm theo. Tránh trường hợp mẹ đi vắng thì cả nhà ăn cơm tiệm hoặc cơm hộp thậm chí đến bấm máy giặt quần áo cũng không biết.

-Thứ Hai: Chăm lo cho trẻ em gái. Cho các em được học hành đến nơi đến chốn, tránh tư tưởng “Con gái học làm gì cho lắm, vài năm đi lấy chồng là xong”. Dạy các em biết về quyền và nghĩa vụ của người con trong gia đình. Có kiến thức và có học vấn giúp các bạn nữ sau này dễ kiếm việc làm, có thu nhập, không phải sống dựa dẫm vào chồng. Tự chủ về tài chính cũng tránh cho các bạn ấy bị bạo lực về kinh tế.

-Thứ Ba: dạy cho trẻ em biết về bạo lực gia đình, biết tự bảo vệ bản thân và những người thân yêu, biết lên án, tố cáo những hành vi bạo lực thân thể, bạo lực kinh tế, bạo lực tinh thần. Dạy các em biết tự bảo vệ mình trước những cạm bẫy trên mạng, ngoài xã hội như bắt cóc, buôn người… hết sức đa dạng và tinh vi. Cho các em hiểu và cảm nhận được mái ấm gia đình là nơi bình yên và luôn mở rộng cửa chào đón khi các em nhỡ ra đi có chỗ để quay về.

-Thứ Tư: Chăm sóc sức khỏe vị thành niên, giáo dục giới tính, giáo dục sức khỏe sinh sản cho các em. Các em phải biết đâu là giới hạn không được phép. Tránh cho các bé gái bị lạm dụng tình dục, bị mang thai ngoài ý muốn quá sớm, ảnh hưởng đến sức khỏe, học hành hoặc có thể hủy hoại cả một tương lai. Các bé trai cũng cần được dạy dỗ tránh bị lạm dụng tình dục.

Muốn được bình đẳng, chính người phụ nữ phải biết đấu tranh, biết lên tiếng, không cam chịu mặc cho số phận. Hiện nay có nhiều phụ nữ bị bạo lực gia đình như bị chồng đánh đập nhưng ngại nói ra vì sợ “xấu chàng hổ ai”, chưa biết nhờ Hội Phụ nữ, Công an, Chính quyền can thiệp nghiêm trọng hơn có trường hợp bị mất mạng chỉ vì thiếu hiểu biết.

Bình đẳng không phải là tôi nấu cơm, anh rửa chén mà trong gia đình có sự chung tay giúp đỡ nhau, phân chia công việc đúng sở trường và sức khỏe, đàn ông đảm nhiệm những việc nặng nhọc, phụ nữ đảm nhiệm những việc khéo léo nhẹ nhàng, tỉ mẩn, các thành viên trong gia đình cùng vun vén, san sẻ việc nhà, lo cho tổ ấm của mình thì còn gì tuyệt vời hơn.

Chính từ nhận thức của các em nhỏ hôm nay, những người lớn ngày sau sẽ góp phần đưa bình đẳng giới tiến lên một bước, đi vào thực tế từng hộ gia đình, giải phóng người phụ nữ thoát khỏi lối suy nghĩ phong kiến “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”, phải tự mình khẳng định vị thế của mình trong gia đình và ngoài xã hội.

 

 

Ngô Thị Ngọc Diệp
Công đoàn tỉnh Bình Phước

Bản quyền thuộc về Công đoàn tỉnh Bình Phước

 Địa chỉ: Quốc lộ 14 - Phường Tân Phú - Thành phố Đồng Xoài - tỉnh Bình Phước

 Điện thoại: 02713879941  Fax: 02713881185

 Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Văn Sang - Trưởng Ban Biên tập - Phó Chủ tịch Công đoàn tỉnh Bình Phước

Thiết kế bởi VNPT Bình Phước | Quản trị