Công đoàn Bình Phước chăm lo nâng cao đời sống đoàn viên, người lao động theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được viết trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta ở vào giai đoạn ác liệt, song đang trên đà thắng lợi, đòi hỏi sự đoàn kết chặt chẽ, chiến đấu bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân. Thời điểm này, mặc dù trí tuệ còn minh mẫn, tinh thần còn sáng suốt nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh tự cảm nhận sức khỏe của mình đã có phần giảm sút so với những năm trước. Do đó, ngày 10/5/1965, Bác đã đặt bút viết một văn bản đặc biệt quan trọng mà Bác đã khiêm tốn gọi là “Mấy lời để lại”. Đó chính là bản Di chúc thiêng liêng của Người. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên được công bố trong Lễ tang của Người vào tháng 9/1969. Sau khi Bác qua đời, cùng với thời gian, Đảng và nhân dân ta ngày càng nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về giá trị lý luận và thực tiễn của bản Di chúc mà Người để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.

Bác Hồ với nhân dân (Tác phẩm: Nghe lời Bác dạy của họa sĩ Vương Trình, được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) Ảnh: Tư liệu
Tư tưởng chăm lo nâng cao đời sống nhân dân, người lao động trong Di chúc của Hồ Chí Minh
Trong Di chúc, Hồ Chí Minh căn dặn nhiều vấn đề, đó là những vấn đề mang tính nhân văn cao cả, có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp cách mạng nước ta, trong đó có vấn đề chăm lo chu đáo tới cuộc sống người lao động “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Sự quan tâm, chăm lo cho ấm no, hạnh phúc của nhân dân là bổn phận, trách nhiệm của Đảng, bởi lợi ích của Đảng không nằm ngoài lợi ích của dân tộc, của nhân dân. Có như vậy, nhân dân mới có niềm tin vững chắc vào Đảng; một lòng một dạ đi theo Đảng để cuộc sống càng ngày càng tốt đẹp hơn.
Theo Hồ Chí Minh, chăm lo đời sống nhân dân thể hiện những quyền cơ bản thiêng liêng của con người, đó là: Con người sinh ra có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Con người được an toàn sinh sống và được bảo đảm các quyền bất khả xâm phạm sẽ chỉ có trong điều kiện đất nước độc lập, tự do, bình đẳng, không có áp bức bất công, mọi người dân được ấm no, hạnh phúc và thể hiện chiều sâu tư tưởng nhân văn của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào chăm lo đời sống đoàn viên, công nhân lao động
Thực hiện Di chúc của Người, trong 6 tháng đầu năm 2024, hoạt động chăm lo lợi ích cho đoàn viên và người lao động từ những việc làm thiết thực là phương châm của Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Phước và luôn được các cấp công đoàn quan tâm thực hiện. Công đoàn các cấp tỉnh Bình Phước đã tổ chức hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động như: Chương trình “Tết sum vầy”, “Hành trình Tết Công đoàn”, “Chợ Tết công đoàn”, thăm và tặng quà các đồn Biên phòng, công nhân lao động tại các khu nhà trọ, các doanh nghiệp, công nhân lao động vệ sinh đường phố... với tổng số tiền hỗ trợ hơn 38 tỷ đồng. Thực hiện các chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng, đã hỗ trợ 946 người với tổng kinh phí hỗ trợ là 1.594.400.000 đồng.
Đồng chí Nguyễn Thị Hương Giang -TUV, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Phước (bên phải ảnh) tặng quà tiễn công nhân về quê đón Tết năm 2024. Ảnh: CĐBP
Hỗ trợ xây 10 căn nhà Mái ấm Công đoàn cho 10 đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở với tổng số tiền 430 triệu đồng; 07 căn nhà Mái ấm Tình thương từ nguồn vận động xã hội hoá của các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ với số tiền 525 triệu; Hỗ trợ cho 243 đoàn viên bị bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 358.900.000 đồng. Trích từ nguồn Quỹ xã hội Công đoàn 60 triệu đồng đóng góp với Cụm thi đua số 9 (gồm Liên đoàn Lao động 06 tỉnh Miền Đông Nam bộ), tổ chức đi thăm, tặng quà, xây dựng nhà ở cho giáo viên thuộc huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.
Đồng chí Nguyễn Thị Hương Giang, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Phước trao quyết định bàn giao “Mái ấm Công đoàn” cho Đoàn viên
Các cấp Công đoàn trong tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho 109.289 lượt người về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Trên Cổng thông tin điện tử của Công đoàn tỉnh, đăng tải 445 tin, bài, với khoảng 145 ngàn lượt truy cập, trung bình khoảng 800 lượt/ngày. Trang fanpage của Công đoàn tỉnh hiện có 18.600 người theo dõi (tăng 272 người so với cuối năm 2023); duy trì mỗi ngày đăng tải trung bình 03 bài viết được đoàn viên, người lao động quan tâm tương tác và chia sẻ; với khoảng 120 nghìn lượt tiếp cận và 15 nghìn lượt tương tác/tháng. Trên sóng của Đài PTTH và Báo Bình Phước phát 5 chương trình truyền hình, 10 chương trình truyền thanh, đăng tải 25 tin, bài trên báo in và báo điện tử. Báo Lao động đăng tải 05 tin, bài, Tạp chí Lao động và Công đoàn đăng tải 02 tin, bài, Báo Pháp luật và Đời sống 02 tin, bài, Thông tấn xã Việt Nam đăng tải 02 tin, bài…

Đồng chí Nguyễn Hữu Đại - UVBTV, Trưởng Ban Tuyên giáo - Nữ công LĐLĐ tỉnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho hơn 150 CNLĐ công ty LD Medevice 3S, thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.
Tích cực triển khai mô hình “Phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc”, nâng tổng số phòng vắt trữ sữa mẹ tới thời điểm hiện tại là 18 phòng, góp phần thực hiện tốt chương trình nuôi con bằng sữa mẹ cho lao động nữ an tâm công tác. Tổ chức thăm hỏi, nắm bắt tình hình hoạt động, người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang nuôi con nhỏ nhân các ngày lễ như: Tháng hành động vì trẻ em, Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6… Tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, 1983 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3,.. với tổng số tiền chi chăm lo hoạt động kỷ niệm: 1.393.721.900 đồng.
Lãnh đạo Công đoàn các KCN tỉnh và Công ty TNHH TKG Teak Wang Bình Phước, KCN Minh Hưng - Hàn Quốc cắt băng khánh thành phòng vắt, trữ sữa mẹ
Để tiếp tục chăm lo nâng cao đời sống người lao động theo Di chúc của Hồ Chí Minh, các cấp Công đoàn Bình Phước sẽ tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ giải pháp trọng tâm như sau:
Một là, Tổ chức tuyên truyền, quán triệt, học tập Nghị quyết Đại hội XI Công đoàn tỉnh, Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Tập trung xây dựng, ban hành các Chương trình hành động, đề án, kế hoạch…theo Nghị quyết Đại hội XI Công đoàn tỉnh. Thực hiện hiệu quả Chương trình hành động của Ban chấp hành Liên đoàn lao động tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; Đề án“Tổ chức Công đoàn với việc chăm lo đời sống người lao động giai đoạn 2021 - 2025” theo Chương trình hành động số 17-CTr/TU ngày 30/09/2021 của Tỉnh ủy Bình Phước.
Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật các chế độ chính sách dể người lao động hiểu biết và thực hiện đầy đủ các quy định liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động. Tiếp tục triển khai và thực thực hiện có hiệu quả chương trình “Mái ấm Công đoàn”. Tổ chức chương trình “Tết Sum vầy” và những hoạt động chăm lo trong dịp Tết Nguyên đán cho người lao động. Đẩy mạnh các hoạt động xã hội, tương thân, tương ái trong công nhân, viên chức, lao động, thăm hỏi khi gặp hoàn cảnh khó khăn.
Ba là, tập trung đối thoại, thương lượng tập thể, nâng cao số lượng, mang lại lợi ích cho đoàn viên, người lao động, trọng tâm là tiền lương. Chủ động dự báo tình hình để đề ra các giải pháp hoạt động công đoàn phù hợp và đề xuất, phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý các vấn đề phát sinh trong thực tiễn, nhất là liên quan đến việc thực thi các chính sách pháp luật, chế độ liên quan quyền lợi người lao động và hoạt động công đoàn.
Bốn là, chú trọng đổi mới phương thức kết nạp đoàn viên gắn với nâng cao chất lượng đoàn viên; tập trung nguồn lực, tạo bước đột phá về phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, nhất là ở các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước.
Kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc là dịp để mỗi người chúng ta báo cáo với Bác những công việc mà mình đã thực hiện, đang thực hiện và sẽ thực hiện theo những lời dặn dò, nhắn nhủ và mong đợi của Bác. Xuyên suốt trong Di chúc Người để lại là những trăn trở, tâm nguyện cho dân, cho nước để mọi người dân được ấm no, tự do, hạnh phúc. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 55 năm qua Công đoàn Việt Nam nói chung và Công đoàn tỉnh Bình Phước nói riêng đã có những chủ trương, chính sách chăm lo đời sống nhân dân, xứng đáng với lời căn dặn và mong muốn cuối cùng của Người trong Di chúc là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.