Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là một chủ trương rất quan trọng, đúng đắn và kịp thời, phù hợp với yêu cầu, điều kiện phát triển mới của đất nước trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng.
Công nhân là đối tượng tiếp cận và làm chủ khoa học và công nghệ
Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư hay còn gọi là CMCN 4.0 diễn ra từ đầu thế kỷ XXI (được chính thức gọi tên tại Diễn đàn kinh tế thế giới lần thứ 46 ở Davos, Thụy Sĩ năm 2016), với sự ra đời của nền sản xuất thông minh dựa trên sự tích hợp và hội tụ của nhiều công nghệ, mà trụ cột là công nghệ thông tin, Internet, công nghệ số và công nghệ sinh học.
Để chủ động thích ứng với cuộc CMCN 4.0, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành các chủ trương, chính sách về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng giai cấp công nhân hiện đại trong điều kiện mới.
Các nhà kinh điển từng nêu ra nguyên lý giai cấp vô sản là do cuộc cách mạng công nghiệp sản sinh ra, nhưng thực tiễn cách mạng công nghiệp qua hơn một thế kỷ gần đây cho thấy, giai cấp công nhân còn là sản phẩm của cách thức mỗi quốc gia tham gia vào các cuộc cách mạng công nghiệp. Lịch sử ghi nhận rằng, đã có những quốc gia công nghiệp hóa mất hàng trăm năm nhưng các nước đi sau, do kế thừa thành quả và có cách làm riêng, đã rút ngắn lại còn 50 thậm chí 30 - 20 năm. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, những quốc gia tiến hành công nghiệp hóa thành công nhất thiết phải xây dựng được đội ngũ công nhân, người lao động có đủ năng lực, phẩm chất vận hành nền công nghiệp hiện đại.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là một chủ trương rất quan trọng, đúng đắn và kịp thời, phù hợp với yêu cầu, điều kiện phát triển mới của đất nước trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng.
Công nhân là đối tượng tiếp cận và làm chủ khoa học và công nghệ. Quá trình này cần được nhìn nhận không chỉ ở giai đoạn công nhân đã và đang làm việc tại doanh nghiệp, cần nhìn nhận việc đào tạo, nâng cao năng lực cho các lực lượng công nhân ở giai đoạn là lao động tiềm năng, lao động là công nhân thất nghiệp. Điều này khẳng định vai trò chủ động của công nhân và các thiết chế hỗ trợ liên quan, không chỉ là từ doanh nghiệp. Bản thân người công nhân cần chủ động trong việc định hướng lộ trình phát triển nghề nghiệp cho bản thân và mấu chốt về năng lực tiếp cận và làm chủ công nghệ là giải pháp tích cực giúp lao động có cơ hội phát triển chuyên môn, nhân mức lương, đãi ngộ hấp dẫn hơn trong bối cảnh công nghệ đang thay thế lao động giản đơn, song doanh nghiệp đang “khát” lao động có tay nghề.
Sự tham gia của công nhân với các hoạt động khoa học và công nghệ và đối Việc tiếp cận và làm chủ công nghệ của công nhân không chỉ tồn tại trong phạm vi phát triển khoa học và công nghệ doanh nghiệp. Công nhân với tư cách là nguồn nhân lực có thể tham gia vào bất cứ hoạt động khoa học và công nghệ nào. Điểm khác biệt với các lực lượng lao động khác là công nhân được tiếp cận với công nghệ thông qua quá trình làm việc tại doanh nghiệp, được tiếp xúc với môi trường làm việc chuyên nghiệp và kỷ luật từ các doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra là cần hỗ trợ các điều kiện để tạo động lực cho công nhân nâng cao năng lực cá nhân để bỏ đi quan niệm công nhân chỉ là lực lượng lao động giản đơn, là người đi xin việc, là nguồn lao động đầu vào có trình độ thấp.
Nâng cao năng lực tiếp cận, làm chủ khoa học công nghệ cho công nhân
Với mỗi đối tượng công nhân cần có các giải pháp khác nhau, không thể áp dụng các giải pháp chung cho tất cả đối tượng công nhân. Sự phân loại công nhân gắn với công nghệ có thể được cụ thể hóa như: đối tượng công nhân chưa tiếp cận công nghệ; đối tượng tham gia dây chuyền công nghệ; đối tượng vận hành và giám sát. Sự tiếp nối và nâng cấp từ việc chưa có năng lực công nghệ đến tiếp cận, sử dụng, giám sát đến làm chủ công nghệ là một lộ trình cần có các giải pháp phù hợp. Bài toán đặt ra là làm thế nào để cung cấp cho công nhân trẻ hiểu biết và tiếp cận với các công nghệ mới, sử dụng công nghệ và làm chủ các công nghệ hỗ trợ để nâng cao mức sống, thu nhập trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp sa thải, giảm giờ làm với công nhân.
Để tiếp cận, làm chủ khoa học - công nghệ thì người lao động phải đạt được một trình độ, kỹ năng nhất định. Việc này phải thông qua đào tạo, đồng thời chủ động nâng cao kỹ năng, tính sáng tạo. Kèm theo đó là các giải pháp để nâng cao
thể chất và tinh thần cho người lao động.
Một là, Xây dựng dự báo về nhu cầu nhân lực cho từng ngành nghề làm cơ sở cho xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại và bố trí lao động trong tương lai dài, trung, ngắn hạn.
Hai là, Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Nguồn lực chủ yếu là từ thế hệ trẻ đã có kiến thức về khoa học - công nghệ mới hoặc đang được đào tạo để tham gia thị trường lao động chất lượng cao.
Ba là, Cơ cấu lại ngành nghề đào tạo phù hợp với những ngành nghề ưu tiên phát triển. Xây dựng chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp dạy và học, trang bị đủ phương tiện đào tạo, áp dụng kỹ thuật số, các kỹ thuật mới trong đào tạo đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Trong đào tạo cần kết hợp đào tạo tại trường với đào tạo thực tiễn tại các doanh nghiệp.
Bốn là, Các doanh nghiệp phải có kế hoạch sử dụng lao động, bố trí lại lao động, đào tạo lại song song với việc xây dựng phương án đầu tư thiết bị, công nghệ mới.
Năm là, Nâng cao các kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc theo nhóm cho người lao động và ý thức kỷ luật trong lao động. Trong môi trường làm việc tự động hóa, áp dụng khoa học - công nghệ mới đòi hỏi tác phong công nghiệp, tính kỷ luật, nghiêm túc trong thực hiện các quy trình sản xuất. Vì vậy, ngoài kỹ năng thì tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất là bắt buộc. Kỹ năng làm việc theo nhóm cũng giúp khơi dậy tính sáng tạo của người lao động, làm cho họ chủ động hơn trong tiếp cận với khoa học, công nghệ.
Sáu là, Có các chính sách bảo đảm an ninh việc làm, an sinh xã hội cho người lao động yếu thế. Trong số lao động phải dịch chuyển trong quá trình ứng dụng khoa học - công nghệ mới có những lao động nữ, lao động đã có tuổi, trình độ không đáp ứng được yêu cầu mới. Đối tượng này khó có khả năng đào tạo chuyển nghề, vì vậy cần nghiên cứu chính sách ưu tiên việc làm phù hợp cho họ hoặc có chính sách bảo hiểm thất nghiệp riêng đối với đối tượng này. Bên cạnh đó, cần có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với lao động dịch chuyển từ thành phố, đồng bằng lên vùng núi, vùng sâu, vùng xa.
Bảy là, cần có chính sách khuyến khích đổi mới, sáng tạo của người lao động. Chính sách này không chỉ của Nhà nước mà các doanh nghiệp cần có chính sách của mình. Sáng tạo, sang kiến không chỉ trong sản xuất trực tiếp mà còn trong quản lý, điều hành.
Các giải pháp thúc đẩy người lao động tiếp cận, làm chủ khoa học - công nghệ phải được các cơ quan chức năng của Nhà nước, các doanh nghiệp, các nhà khoa học phối hợp thực hiện. Bên cạnh đó, không thể thiếu được sự chủ động, ý chí vươn lên làm chủ khoa học - công nghệ của bản thân người lao động./
-------------------------
* Kỷ yếu Hội thảo khoa học "Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh" do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức tháng 11.2024
ThS. Ngọ Tân Duy Cường
Viện Công nhân và Công đoàn