image banner
Góp ý về Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội để tăng quyền lợi cho lao động nữ
Lượt xem: 121

Những ý kiến của công đoàn nhằm đảm bảo quyền lợi cho lao động nữ được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội phù hợp với yêu cầu, điều kiện hiện nay khi một số quy định của Luật BHXH năm 2014 đã không còn phù hợp.

Hội thảo "Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội tiếp cận dưới góc độ quyền của lao động nữ" do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức sáng ngày 27/3/2024 đã nhận được sự tham gia tích cực của các đại biểu, với những ý kiến chất lượng, sát với thực tiễn.

Đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, Luật Bảo hiểm xã hội liên quan đến đông đảo người lao động, trong đó có nữ giới. Những quy định đảm bảo bình đẳng giới là hết sức quan trọng, nhất là chế độ thai sản, hưu trí, bảo hiểm xã hội một lần liên quan rất lớn đến nữ.

Góp ý về Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội để tăng quyền lợi cho lao động nữ
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Hải Nguyễn

"Theo thống kê, lao động nữ là đối tượng dễ bị tổn thương liên quan đến Luật này. Nữ giới chiếm tỉ lệ lớn những người rút bảo hiểm xã hội một lần. Nữ cũng là đối tượng chủ yếu không được thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội. Vì vậy, việc chúng ta đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội tiếp cận dưới góc độ quyền của lao động nữ là hết sức cần thiết", Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh.

Bổ sung, điều chỉnh chế độ thai sản

Nhiều đại biểu nêu ý kiến về chế độ nghỉ khám thai tối đa 5 lần là không sát với thực tế. Cụ thể, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam Phạm Thanh Bình đề xuất, nên sửa đổi mức nghỉ 5 ngày để khám thai thành mức tối thiểu, và bổ sung mức tối đa là 9 ngày, tương ứng với việc khám thai mỗi tháng 1 lần trong suốt thai kì.

Đồng tình quan điểm này, đồng chí Nguyễn Thanh Hoàn - Trưởng ban Chính sách – Pháp luật Công đoàn Dệt May Việt Nam đề xuất thêm, không nên quy định mức nghỉ khám thai tối đa bao nhiêu ngày, bởi vì trên thực tế, có những trường hợp nữ lao động mắc bệnh lý thai kì, phải đi khám nhiều lần theo chỉ định của bác sĩ.

Ngoài ra, đồng chí Hoàn cũng đề nghị bổ sung đối tượng lao động hiếm muộn cũng được thụ hưởng các chế độ của Luật Bảo hiểm xã hội, bởi vì những đối tượng này có khi phải nghỉ 6-9 tháng đi làm các thủ thuật điều trị hiếm muộn, mà không được hưởng chế độ gì, trong khi họ cũng tham gia đóng bảo hiểm xã hội như bao người lao động khác.

Công đoàn đề xuất ý kiến vào Dự thảo Luật BHXH để tăng quyền lợi cho lao động nữ
Đồng chí Nguyễn Thanh Hoàn - Trưởng ban Chính sách - Pháp luật Công đoàn Dệt May Việt Nam. Ảnh: HN

Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa Trịnh Thị Hoa đề xuất nên bổ sung thêm đối tượng dưỡng thai nằm một chỗ lâu ngày vào trong Luật Bảo hiểm xã hội. Hiện nay, Luật Bảo hiểm xã hội chưa đề cập đến các trường hợp này được hưởng như thế nào, nên tới đây Luật sửa đổi cần quan tâm đến các đối tượng sinh con khó khăn, có chỉ định yêu cầu của cơ quan y tế.

Liên quan đến quy định về thời gian nghỉ thai sản đối với lao động nữ sau sinh, đồng chí Phạm Thu Thưởng - Phó Trưởng ban Tuyên giáo - Nữ công, LĐLĐ TP Hải Phòng đề nghị tăng thời gian nghỉ với trường hợp sinh đôi lên 4 tháng (Dự thảo Luật đang quy định nghỉ 2 tháng).

Ngoài ra, với trường hợp mang thai hộ, cần tăng thời gian nghỉ thai sản ít nhất là 3-4 tháng hoặc 6 tháng như các bà mẹ khác để đủ thời gian phục hồi sức khỏe, thích nghi với công việc.

Đồng chí Đặng Thị Kim Chung – Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh đề nghị nên kéo dài thời gian nghỉ của người chồng khi vợ sinh con. Bởi vì, theo Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội đang quy định mức nghỉ của lao động nam khi vợ sinh con là 5, 7, 9, 14 ngày tùy từng trường hợp là chưa sát với thực tế, khi cơ thể người phụ nữ sau sinh còn chưa hồi phục, rất cần sự quan tâm, chăm sóc của người chồng để đảm bảo sức khỏe của cả mẹ lẫn con và góp phần giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Công đoàn đề xuất ý kiến vào Dự thảo Luật BHXH để tăng quyền lợi cho lao động nữ
Đồng chí Đặng Thị Kim Chung - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: HN

Mở rộng đối tượng tham gia, đảm bảo công bằng giữa các nhóm lao động

TS. Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội nêu quan điểm, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội đã quy định chi tiết và bao phủ đầy đủ các đối tượng. Tuy nhiên mục tiêu của NQ 28/TW là mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, tiến tới bảo hiểm xã hội toàn dân.

Theo TS Lợi, quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 chủ hộ kinh doanh không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trong Dư thảo Luật sửa đổi, quan điểm bổ sung nhóm hộ có đăng ký kinh doanh là hợp lý, nhưng nên quy định tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo hộ kinh doanh tương tự như bảo hiểm y tế hộ gia đình bắt buộc và nên có chính sách khuyến khích hỗ trợ như đã thực hiện bảo hiểm y tế hộ gia đình theo lũy tiến.

Đồng thời hỗ trợ nhóm hộ chưa đăng ký kinh doanh để họ cũng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo các thành viên của hộ kinh doanh và từng bước chuyển sang hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (lưu ý cả 2 nhóm hộ này đều bao gồm tất cả người lao động tham gia làm công ăn lương trong hộ kinh doanh). Đây là giải pháp rất quan trọng để đẩy nhanh độ bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân.

Công đoàn đề xuất ý kiến vào Dự thảo Luật BHXH để tăng quyền lợi cho lao động nữ
TS. Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội. Ảnh: PV

TS Bùi Sỹ Lợi đề xuất: "Dự thảo Luật cần quy định lộ trình để tất cả lao động từ đủ 15 tuổi trở lên có tham gia lao động có thu nhập về tiền lương đều phải tham gia bảo hiểm xã hội (bắt buộc hoặc tự nguyện) trên cơ sở quản trị nhân lực và thống kê đầy đủ lực lượng lao động trên thị trường".

Còn theo đồng chí Phạm Thu Thưởng – Phó Trưởng ban Tuyên giáo – Nữ công, LĐLĐ TP Hải Phòng, chính sách bảo hiểm xã hội hiện quy định chỉ có đối tượng tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc mới được hưởng các chế độ trợ cấp ngắn hạn như thai sản, ốm đau, tai nạn, còn đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì không được hưởng. Đồng chí Thưởng đề nghị nên áp dụng các chính sách này đối với lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để tăng mức độ hấp dẫn của loại hình này.

Góp ý về Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội để tăng quyền lợi cho lao động nữ
Toàn cảnh Hội thảo - Ảnh: Hải Nguyễn

Ngoài ra, các đại biểu cũng tham gia thảo luận về các nội dung liên quan đến chính sách bảo hiểm xã hội một lần, chế độ hưu trí, một số vấn đề khác liên quan đến quyền đặc thù của lao động nữ và phân tích rõ quy định nào đã phù hợp, quy định nào cần chỉnh sửa hoặc thay đổi, cần bổ sung những quy định nào hoặc đề xuất những chính sách nào; những khó khăn, vướng mắc đặt ra trong quá trình triển khai và đề xuất một số giải pháp của tổ chức Công đoàn nhằm tháo gỡ và triển khai hiệu quả Luật Bảo hiểm xã hội tới người lao động, hướng tới mục tiêu lớn hơn của quốc gia là đảm bảo một hệ thống bảo hiểm xã hội hiện đại để thúc đẩy công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.

Đồng chí Ngọ Duy Hiểu cho biết Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tổng hợp, báo cáo Ban soạn thảo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đóng góp tiếng nói của công đoàn nói chung và đặc biệt là tiếng nói của lực lượng làm công tác nữ công của tổ chức Công đoàn nói riêng, để Luật Bảo hiểm xã hội đảm bảo tính khả thi, khoa học, chặt chẽ trong thời gian tới.

Theo Chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, dự án Luật Bảo hiểm xã hội sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối năm năm 2024, trong đó có nhiều nội dung liên quan trực tiếp tới quyền và lợi ích của người lao động.

Đối với tổ chức Công đoàn, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội có quy định rất rõ: Công đoàn có trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, yêu cầu người sử dụng lao động và cơ quan bảo hiểm cung cấp thông tin về bảo hiểm xã hội của người lao động; kiến nghị, tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội;

Công đoàn có trách nhiệm giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội và kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội; khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động theo quy định của pháp luật; tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội cho người lao động và tham gia thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật về bảo hiểm xã hội.

anh tin bai
anh tin bai
anh tin bai

Theo Tạp chí LĐ và CĐ

Công đoàn tỉnh Bình Phước

Bản quyền thuộc về Công đoàn tỉnh Bình Phước

 Địa chỉ: Quốc lộ 14 - Phường Tân Phú - Thành phố Đồng Xoài - tỉnh Bình Phước

 Điện thoại: 02713879941  Fax: 02713881185

 Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Văn Sang - Trưởng Ban Biên tập - Phó Chủ tịch Công đoàn tỉnh Bình Phước

Thiết kế bởi VNPT Bình Phước | Quản trị